Bên Giòng Lịch Sử 1940 – 1965 Hồi Ký Lm. Cao Văn Luận: Chương 7 & 8.

Trong giòng Lịch Sử Cận Đại của Việt Nam, vì lý do chính trị thay đổi thường xuyên nên sự kiện ghi lại cũng không được trung thực. Trang nhà https://www.vietquoc.org nhận thấy cuốn “Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965” của Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, mang nhiều tính khách quan, vậy xin độc giả đọc từ đầu đến cuối để có cái nhìn trung thực về lịch sử. Sau đây là Chương 7: “Cộng Sản Pháp và nền độc lập Việt Nam và Chương 8: Ba lần gặp gỡ Hồ Chí Minh….”
[Bấm chuột vào đây đọc chương trước]

Chương 7: Cộng sản Pháp và nền độc lập ở Việt Nam

Tin Nhật đầu hàng, và chính phủ Việt Nam tuyên bố độc lập cũng đã đến tai chúng tôi. Người Pháp, trên tư cách một người, thì tôi thấy có rất nhiều người thiện cảm với phong trào đòi độc lập của Việt Nam. Khi nhận được thông điệp của các giám mục Việt Nam, tôi in ra khoảng một trăm ngàn bản, nhờ các hướng đạo sinh Pháp đi phát ở các nhà thờ tại Ba-Lê, khu phụ cận và những tỉnh quanh Ba-Lê.

Sau khi thông điệp này được phổ biến vài hôm thì một số anh em trong ACVNF bị bắt, trong đó có Nguyễn Hy Hiền, nhưng chỉ vài ngày là được thả, có lẽ nhờ có sự can thiệp bên trong của tòa Giám mục Ba-Lê.

Tôi nhận thấy tình thế đã khẩn trương lắm rồi, và phải cố gắng làm cho những người có trách nhiệm trong chính phủ Pháp suy nghĩ kỹ hơn trước khi quyết định điều gì về Việt Nam.

Có lẽ chúng tôi đã hành động vì tuyệt vọng thì nhiều hơn. Chúng tôi rất ít hy vọng những hoạt động của chúng tôi có thể thay đổi chiều hướng lịch sử. Tuy nhiên chúng tôi không thể nào ngồi yên nhìn lịch sử bi thảm diễn ra.

Tôi tổ chức một buổi họp mặt, hay gọi là hội nghị, một cuộc hội thảo gì cũng được. Ngoài anh em sinh viên, Việt kiều, tôi còn mời nhiều nhân vật Pháp, và những người bạn Pháp có thiện cảm với Việt Nam.

Trong số này tôi nhớ có dân biểu hạt là ông Borthien, thuộc đảng Xã Hội Pháp, nổi tiếng là rất tiến bộ và chủ trương trả độc lập cho Việt Nam, ông là bạn thân của Hồ Chí Minh. Cha Chaillel, chủ nhiệm tạp chí Temoignage Chrétien thì được mời thuyết trình.

Cha Chaillel đã ngần ngại lâu trước khi nhận lời. Kúc tôi ngỏ ý mời cha thuyết trình quanh vấn đề nước Pháp với nền độc lập của Việt Nam, thái độ của người Công giáo đối với vấn đề chính trị v.v…, ông tỏ ra trầm ngâm, đi bách bộ trong phòng riêng của ông mấy vòng rồi ông rút ở một hộc tủ khóa ra một tập hồ sơ khá dày, trao cho tôi.

– Cha đã biết những điều này chưa?

Dĩ nhiên là tôi chưa biết, vì tôi chưa đọc những hồ sơ tài liệu này bao giờ. Tôi đọc vội. Đó là những báo cáo và những chỉ thị của trung ương đảng Cộng sản Pháp, cho các phân bộ đảng tại Pháp và Đông Pháp.

Nội dung chỉ thị nói rằng hiện nay ở Việt Nam, một phong trào cộng sản đang nổi lên đòi độc lập, phong trào này hành động theo đường lối cộng sản quốc tế. Vậy thì những đảng viên nòng cốt của cộng sản Pháp phải kín đáo nhưng tích cực giúp đỡ phong trào cộng sản Việt Minh.

Tập tài liệu có chỗ nêu rõ tên những lãnh tụ cộng sản như Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng và những lý lịch, thành tích của họ, nhằm chứng minh rằng họ là đảng viên cộng sản trung kiên, có đảng tịch lâu năm, và đáng tin cậy lắm.

Trong năm 1945, các Việt kiều và sinh viên Việt Nam tại Pháp chưa biết chia rẽ là gì. Niềm hân hoan, hãnh diện dân tộc đã phủ lên mọi bất đồng chính kiến có thể có. Cộng sản cũng chưa để lộ tính chất tàn bạo của nó. Tại Pháp chắc chắn đã có những tổ chức của đảng cộng sản Đông Dương, nhưng chưa công khai ra mặt, chưa nhân danh cộng sản để lên tiếng. Mọi người Việt Nam lưu lạc tại Pháp chỉ biết một điều: nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Nhưng bắt đầu từ năm 1946, những mầm mống chia rẽ bắt đầu. Ngay trong nội bộ những đoàn thể Việt kiều và sinh viên Việt Nam mà tôi đã góp công gây dựng nên, cũng bắt đầu xuất hiện sự chia rẽ. Một vài anh em đặt chính kiến lên trên tình đồng bào… Trong những cuộc gặp mặt, nhiều anh em không đến. Một lần, hai lần không đến thì có thể cho là tình cờ, là bận rộn, nhưng năm mười lần không đến thì chỉ có thể là cố tình.

Lại có một số anh em công khai lên tiếng biện hộ cho chính kiến của họ. Những cuộc tranh luận thoát ra khỏi khuôn khổ của sự thảo luận, của sự học hỏi, mà trở thành những cuộc cãi vã lớn tiếng đầy thù hằn thường xuyên xảy ra giữa các tổ chức Việt kiều và sinh viên. Chỉ trong ít lâu thì hầu hết những tổ chức Việt kiều và sinh viên Việt Nam tại Pháp mà chúng tôi gây dựng nên không còn hoạt động đều đặn, thường xuyên nữa, mà chỉ hoạt động tùy hứng, tùy nhu cầu, nghĩa là khi có việc thì anh em vẫn còn họp mặt lại với nhau được.

Cái ngày đánh dấu sự cáo chung của tình đoàn kết, có thể là ngày phái đoàn Phạm Văn Đồng sang Ba-Lê. Tôi không thấy lịch sử nói đến phái đoàn này. Tôi nhớ là vào độ mùa xuân 1946, như là cuối tháng ba, đầu tháng tư thì phải. Nhất định là sau cái gọi là thỏa ước 6 tháng ba giữa Sainteny và chính phủ Việt Minh.

Phái đoàn Phạm Văn Đồng, trên danh nghĩa là phái đoàn quốc hội Việt Nam thăm viếng thiện chí nước Pháp. Phái đoàn gồm có Phạm Văn Đồng, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Hoàng Minh Giám, và một số người tôi không nhớ tên hết.

Báo chí, tin tức Pháp chẳng nói gì đến chuyến viếng thăm của phái đoàn Phạm Văn Đồng, tuy nhiên các Việt kiều đã được thông báo bằng điện tín không phải từ nước nhà, mà hình như là từ một tổ chức công chức ở Pháp. Tôi được cử dẫn đầu những anh em sinh viên, Việt kiều ra phi trường Orly đón tiếp phái đoàn Phạm Văn Đồng.

Tôi ngạc nhiên vì phi trường không có vẻ gì là sắp đón tiếp một phái đoàn quốc hội của một quốc gia, dù là quốc gia nhỏ bé. Phòng khách nơi mà phái đoàn sẽ đến trước tiên vẫn không khác gì ngày thường. Chính phủ Pháp hình như chẳng cử nhân vật nào quan trọng ra đón tiếp, và cũng chẳng có nghi lễ đón tiếp chi đáng kể cả.

Lúc phi cơ đến, chúng tôi được báo tin, và ra sân phi cơ đậu đứng chờ. Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một phái đoàn công du của một chính phủ Việt Nam độc lập. Dĩ nhiên là tất cả chúng tôi hồi hộp và tò mò. Phạm Văn Đồng từ phi cơ bước xuống, nhìn rộng trước mặt, rồi tia nhìn của ông dừng lại trên phái đoàn Việt kiều.

Ông mặc một bộ âu phục màu sẫm, khoác áo lạnh kéo cổ lên tận cằm. Sau ông là Hoàng Minh Giám, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Tấn Gi Trọng và vài ba nhân viên vô danh.

Ông Phạm Văn Đồng được một vài nhân viên thuộc bộ ngoại giao Pháp ra đón tiếp tận thang máy bay.

Hình như nhân viên cao cấp nhất ở ngạch thơ ký bộ ngoại giao Pháp. Ông hơi cau mày, mặt xám lại một lúc, và bắt tay người Pháp rất nhanh rồi tiến ngay đến phía chúng tôi. Lúc này thì mặt ông có vẻ tươi vui, cởi mở. Ông lên tiếng chào hỏi chúng tôi bằng tiếng Việt, nhờ một anh em, hình như là Trần Đức Thảo, giới thiệu từng người cho ông.

Ông dừng lại nói chuyện với tôi khá lâu, hỏi han những công việc của anh em sinh viên và Việt kiều. Khi phái đoàn đi đến các nhóm Việt kiều đứng hơi xa tôi một chút, thì Nguyễn Mạnh Hà đi chậm lại, và đến nói nhỏ với tôi:

– Con có chuyện quan trọng muốn thưa với cha. Tối con sẽ đến.

Phái đoàn Phạm Văn Đồng được các nhân viên bộ ngoại giao Pháp mời lên một chiếc xe ca, loại xe buýt thông thường, có những dãy ghế ngang thường dùng chở khách đi tỉnh, và được đem về một khách sạn hạng ba. Sự khinh miệt của chính phủ Pháp đối với phái đoàn quốc hội Việt Nam đầu tiên thật là rõ ràng.

Tối hôm đó, tôi chờ Nguyễn Mạnh Hà. Lúc bấy giờ tôi đã rời khỏi Institut Catholique, và dọn đến ở trong khu 70 Arondissement. Ông có vẻ nghiêm trọng, lo âu. Ông đưa cho tôi mấy tập báo Cứu quốc và Hồn Công giáo cùng một ít tài liệu về Việt Nam. Ông cho biết, đúng như những điều tôi đã biết sơ qua, chính phủ Việt Minh, từ trên xuống dưới đều là những nhân vật cộng sản cốt cán.

Một vài chính khách quốc gia được đem vào trong chính phủ vì áp lực của tướng Tàu Lữ Hán trước đây, và nay đang bị Võ Nguyên Giáp tìm cách thanh toán dần, nếu không thì bao vây và tước hết quyền hành. Ông cũng kể cho tôi nghe tình trạng Việt Nam và những tin đồn nói về những vụ thanh toán ở Thái Nguyên, Cao Bằng giữa Việt Minh và các đảng phái quốc gia.

Ông tỏ ra lo lắng và buồn phiền, vì nhận thấy tương lai nước nhà nhiều rối rắm. Ông hiểu nhiều về nước Pháp nên ông cũng lo sợ rằng nền độc lập của Việt Nam không bền vững được. Lúc ông sang Pháp thì quân Leclerc đã vào Hà Nội và đã bắt đầu có những đụng chạm giữa quân Pháp và quân tự vệ Việt Minh ở vài nơi tại Hải Phòng và Hà Nội.

Nhiều lúc ông được cụ Hồ dùng làm thông ngôn, mặc dầu cụ Hồ rất thông thạo tiếng Pháp. Đó là thói quen của cụ. Những lúc không muốn nói vội vàng, muốn nhiều thì giờ để suy nghĩ, thì cụ làm như không hiểu tiếng Pháp để cho thông ngôn dịch qua lại hai lần. Nhờ đó ông cũng được biết những xích mích, dằng co giữa cụ Hồ và quan Cao ủy Pháp Argenlieu.

Theo ông thì Sainteny được cụ Hồ tin cậy hơn đôi chút, và Sainteny cũng tỏ ra hiểu biết tình cảnh Việt Nam, thông cảm những khó khăn của chính phủ Việt Minh. Tướng Leclerc cũng được cụ Hồ kính nể lắm. Ông kể một mẫu chuyện về sự khôn ngoan khéo léo của tướng Leclerc khi vào Hà Nội.

Ông đã tươi cười bắt ay Võ Nguyên Giáp, khi Giáp ra đón tiếp và chào ông bằng câu mở đầu: nhân danh những người kháng chiến Việt Nam, tôi xin chào mừng người đồng chí kháng chiến Pháp nơi ông. Leclerc còn tỏ ra khéo léo hơn, khi ông đề nghị với Võ Nguyên Giáp về việc thành lập một tiểu đoàn hỗn hợp Pháp Việt để canh gác và dàn chào cho ông. Tiểu đoàn hỗn hợp này sẽ gồm một phần người lính Pháp, và 3 phần lính Việt. Như vậy vì vấn đề lễ nghi, thể diện các đơn vị lính tự vệ Việt Minh sẽ được cung cấp quân phục chỉnh tề, võ trang những loại súng tối tân hơn, y như lính Pháp vậy.

Nguyễn Mạnh Hà còn cho tôi biết là kẻ có nhiều quyền hành lại không phải là Jean Sainteny, hay Leclerc mà là D’Arbenlieu, một thầy tu dòng Trappe khó tính, ít hiểu biết về Việt Nam, và say sưa với danh dự, uy quyền của nước Pháp.

Ông tiên đoán sớm muộn những xích mích giữa người Pháp và chính phủ Việt Minh không thể nào tránh được, và chưa biết sẽ biến chuyển đến mức độ nào, có giới hạn được trong vòng phải chăng và có thể dàn xếp được không.

Mấy hôm sau, Phạm Văn Đồng tổ chức một buổi tiếp tân dành cho các Việt kiều. Ngoài những sinh viên, Việt kiều mà tôi quen biết, tôi nhận thấy có một số lạ mặt. Phạm Văn Đồng ngồi cạnh tôi, và nói chuyện rất cởi mở. Có lẽ lo sợ những cuộc cãi vã vì chính kiến, ông đã không đề cập gì nhiều đến các vấn đề chính trị mà chỉ nói những chuyện thông thường. Ông nói chuyện có duyên, cởi mở, vui vẻ.

Phái đoàn Phạm Văn Đồng ở lại Pháp đâu vào khoảng vài ba tuần lễ mà thôi. Về những hoạt động của phái đoàn này, tôi nghe phong phanh rằng họ sang Pháp để chuẩn bị cho một cuộc tham viếng nước Pháp của cụ Hồ. Phạm Văn Đồng và các nhân viên phái đoàn tiếp xúc nhiều với các tổ chức Việt kiều ở Ba-Lê.

Riêng ông thì hình như gặp gỡ các dân biểu Pháp thuộc khuynh hướng xã hội và cộng sản như Paul Rivet Jean Rous là những bạn của cụ Hồ.

Lúc tiễn đưa phái đoàn Phạm Văn Đồng về nước, tôi và các Việt kiều cũng ra tận phi trường. Phạm Văn Đồng có vẻ buồn phiền hơn lúc đến, và sự đưa tiễn của chính phủ Pháp lần này cũng chẳng long trọng gì hơn lúc đến. Tôi nhận thấy có thêm vài dân biểu cộng sản, vài người Pháp có thiện cảm với cụ Hồ.

Phái đoàn đưa tiễn của chính phủ Pháp thì cũng vẫn là những thư ký bộ ngoại giao. Và các xe ca đã chở Đồng trước đấy, nay cũng chở ông và phái đoàn trở lại phi trường.

Lúc lên khỏi thang phi cơ, quay lại vẫy tay chào các Việt kiều, hình như Phạm Văn Đồng cười chua chát cay đắng. Mắt ông đăm đăm và dáng người có vẻ mệt mỏi, chịu đựng, nhẫn nhục.

Từ đây sự chia rẽ vì chính kiến, chủ nghĩa bắt đầu trở nên trầm trọng và lộ liễu trong hàng ngũ Việt kiều, sinh viên ở Pháp.

Trần Đức Thảo ít tới lui với anh em, và hình như đã thiên hẳn sang phía cộng sản không biết từ lúc nào. Tôi thấy như vậy cũng hết ham sinh hoạt với các đoàn thể Việt kiều. Tôi có nghĩ đến chuyện về nước, cùng với các cha như cha Mai, cha Lập, nhưng vì thấy tình hình Việt Nam chưa ngã ngũ ra sao cả, nên hơi ngần ngại.

Những tin tức về Việt Nam thì thật là thiếu sót, mơ hồ, thư từ ở Việt Nam gửi sang cũng rất thưa hiếm. Lâu lắm tôi mới nhận được một lá thư của các cha từ địa phận Vinh. Tôi cảm thấy băn khoăn thật nhiều, và không biết quyết định như thế nào. Các sinh viên, trí thức, một số lẻ tẻ về nước, số còn lại thì chăm chú vào việc sinh sống.

Pháp chuẩn bị quân đội để can thiệp và tái chiếm Đông Pháp. Những cuộc cãi vã, tranh luận trong nội bộ đảng cộng sản Pháp về Việt Nam lọt ra ngoài, cho thấy rằng cộng sản Pháp không hoàn toàn ủng hộ phong trào cộng sản Việt Minh. Một đoạn hồi ký của Maurice Thorez lãnh tụ cộng sản Pháp, bạn thân và đồng chí của Hồ Chí Minh viết rằng ông hy vọng cờ tam tài sẽ bay phấp phới khắp Liên Hiệp Pháp, ông không hề nghĩ là đảng cộng sản Pháp chủ trương từ bỏ địa vị của Pháp ở Đông Pháp. Chính phủ Pháp cũng có hai khuynh hướng.

Khuynh hướng thứ nhất thì cho Việt Nam tự trị rộng rãi và thực sự trong một Liên Hiệp Pháp được sửa đổi. Khuynh hướng thứ hai chủ trương phải tái lập uy quyền của đế quốc Pháp như cũ và nếu cần thì bằng quân đội.

Tại Nam bộ, quân Pháp đã thay thế quân Anh, và đang có những âm mưu lộ liễu thành lập một nước Nam Kỳ tự trị.

Những cuộc thương thuyết với chính phủ Tưởng Giới Thạch diễn ra ở Trùng Khánh, Côn Ninh, để nhắm hòa giải áp lực và sự can thiệp của Tàu vào Việt Nam, và về phía này hình như Pháp cũng đang thành công.

Những tin tức trên, thêm những tiết lộ của Nguyễn Mạnh Hà, của cha Chaillet làm cho tôi băn khoăn rất nhiều.

Lại nói đến Nguyễn Mạnh Hà, những tiết lộ, tâm sự của ông làm cho tôi nghĩ rằng không thể nào theo cộng sản thực tình được. Cả bây giờ tôi cũng còn như vậy. Ông là người trí thức, là người công giáo chân thành, lại sinh trưởng trong một gia đình khá giả. Cho nên khó mà trở thành người cộng sản cuồng nhiệt. Có lẽ hoàn cảnh nào đó đã bắt buộc ông phải hợp tác với cộng sản.

Ít lâu sau khi phái đoàn Phạm Văn Đồng rời Pháp, tôi nghe tin nói rằng cụ Hồ đã đích thân sang Ba-Lê để thương thuyết với chính phủ Pháp về vấn đề quyền tự trị, nền thống nhất của Việt Nam, và vai trò Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp. Tin này được loan đi từ giới cộng sản Pháp.

Chương 8: Ba lần gặp gỡ Hồ Chí Minh

Tôi chưa được thấy mặt, hay thấy hình ảnh gì của chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hình ảnh đăng trên các báo Pháp từ tháng 9 năm 1945 đều là những tấm hình cũ, mà một vài báo Pháp xin được của sở Mật Vụ Hải Ngoại Pháp. Khi thì tôi thấy một thanh niên gầy ốm, cao lêu nghêu, khi thì một cụ già khoảng 50. Không có gì bảo đảm cho tôi những hình ảnh đó là của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Như mọi người Việt Nam ở Pháp thời bấy giờ, tôi rất tò mò muốn biết mặt cụ Hồ, con người dù sao thì cũng đã dành độc lập cho Việt Nam, và đang tranh đấu với Pháp để giữ lấy nền độc lập mong manh đó.

Ở Pháp vào đầu năm 1946, thỉnh thoảng có tin đồn cụ Hồ sẽ sang Ba-Lê, làm cho những anh em Việt kiều hồi hộp chờ đợi, nhưng rồi báo lại cải chính rằng cụ chưa sang Ba-Lê lần này.

Vào cuối tháng tư, tôi được biết Pháp và Việt Minh đã ký kết một thỏa ước tạm thời, giao quyền cai trị Trung và Bắc bộ cho chính phủ Hồ Chí Minh, còn Nam bộ thì giữa tình trạng không giải quyết, do Pháp quản trị, chờ một cuộc trưng cầu dân ý. Thỏa ước này được gọi là thỏa ước 6 tháng 3. Tôi cũng được biết hội nghị Đà Lạt ngày 24-3-1946 giữa Võ Nguyên Giáp và Pierrer Mesemer đã không đem lại kết quả gì.

Những điều này tôi chỉ được biết tin qua báo chí, qua một vài bản tin mà lúc bấy giờ một ổ chức thông tin không chính thức của Việt Minh ở Ba-Lê phân phát.

Rồi qua những nguồn tin không xuất xứ, loan truyền trong giới Việt kiều ở Ba-Lê, cũng như trong giới chính trị thân cộng, tôi biết chắc rằng cụ Hồ sang Ba-Lê.

Tôi và anh em Việt kiều, sinh viên hồi hộp chờ đợi và chuẩn bị đón tiếp.

Chúng tôi chưa ai nghĩ đến những bất đồng vì vấn đề chính kiến, tư tưởng, tôn giáo. Mọi người hãnh diện có một chính phủ độc lập, có một lãnh tụ dám đương đầu với người Pháp. Theo tin từ các báo, thì tôi nghe nói rằng ngày 30 tháng 5 năm 1946, cụ Hồ từ Saigon lên phi cơ đi Ba-Lê, cùng với tướng Salan và ông Jean Sainteny.

Đến ngày 1 tháng 6, đài phát thanh Pháp Á, và đài phát thanh Pháp loan tin Nam bộ tách rời và thành lập chính phủ Nam kỳ tự trị, do ông bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng. Tôi và anh em Việt kiều thấy đau nhói trong tim, ngẩn ngơ trước cái tin khó tin. Điều mong ước của mọi người Việt Nam, sau độc lập, và kèm theo độc lập là thống nhất.

Tôi đã hiểu thế nào là sự nhục nhã của người Việt Nam phải chịu sự chia cắt, người Trung kỳ, Bắc kỳ vào Nam kỳ phải có thông hành. Có lẽ chính sự phản bội và sai lời này của người Pháp làm cho lộ trình của cụ Hồ đã không ghé Ba-Lê ngay như mọi người mong chờ mà ghé Biarritz. Tôi không hiểu có anh em Việt kiều nào có thể ra đón cụ Hồ ở phi trường Biarritz không, nhưng trong số người tôi quen biết thì không có ai đi.

Cụ Hồ ở lại Biarritz khá lâu. Ngày nào anh em Việt kiều cũng đến cho tôi hay một vài tin, phần lớn thuộc loại tin đồn. Một số trong các tin này nhắc đến sự chia xót, đau khổ của cụ Hồ, mô tả cụ như một con người anh hùng gặp vận bỉ, một cụ gì đang than khóc cho số phận đất nước.

Tôi không tin mà cũng chẳng ngờ chi, chỉ chờ đợi được gặp cụ Hồ, chờ đợi tình thế hiện rõ hơn. Trong khoảng thời gian này, một chính phủ mới được thành lập, chính phủ Bidault, thuộc đảng MRP.

Như tôi đã nói trước, đây là một chính phủ thực dân thực sự, mặc dầu trong chính phủ này có một vài Bộ trưởng cộng sản, hay thân cộng sản, như ông Charles Tillon, Bộ trưởng không quân. Tôi hiểu rõ cộng sản Pháp không sẵn sàng trao trả độc lập chân chính và toàn vẹn cho Việt Nam, như nhiều người mong. Cộng sản Pháp và thực dân Pháp vẫn có thể đi đôi với nhau không có chi mâu thuẫn. Sự chờ đợi của tôi và các anh em Việt kiều kéo dài gần cả tháng. Vào ngày 20-6-1946 chúng tôi hay tin cụ Hồ sẽ từ Biarritz lên Ba-Lê đúng sáng 22-6. Hầu hết anh em Việt kiều sinh viên, trí thức Việt Nam ở Ba-Lê đều tụ họp lại với nhau bàn chuyện lập phái đoàn đón rước cụ Hồ. Tôi được chọn cầm đầu phía những người Công giáo Việt Nam ở Pháp và các tu sĩ Việt Nam du học, vì tôi là Chủ tịch hội tu sĩ Việt Nam du học ở Pháp, gồm 30 tu sĩ, linh mục.

Việt kiều ở Ba-Lê lúc bấy giờ khá đông. Tôi được biết ngoài phái đoàn của chúng tôi, còn những phái đoàn Việt kiều khác, trong đó chẳng hạn có phái đoàn Việt kiều thợ thuyền, gồm những người cộng sản hay thân cộng sản, đi riêng.

Lúc chúng tôi đến phi trường Le Bourget thì nơi sân máy bay đậu đã dày đặc người. Phái đoàn Việt kiều của chúng tôi đứng nhập chung vào những phái đoàn Việt kiều khác, có phái đoàn chỉ gồm 15 người, có phái đoàn đến non trăm người. Có lẽ thấy phái đoàn chúng tôi có trật tự, lại gồm mấy linh mục, nên những người tổ chức lễ đón tiếp sắp cho chúng tôi đứng lên đầu.

Tôi nhận thấy chính phủ Pháp lần này đón tiếp cụ Hồ một cách long trọng. Tất cả mặt tiền phòng khách danh dự phi trường đều treo cờ Pháp chen kẽ. Có lính vệ binh và giàn kèn sắp hàng trước chúng tôi. Đứng riêng và xa trước mặt chúng tôi độ trăm thước, có phái đoàn chính phủ Pháp, trong đó tôi thấy vài tướng lãnh, bộ trưởng. Ông Moutet là bộ trưởng Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại, hay bộ thuộc địa. Chúng tôi chờ non một tiếng đồng hồ thì nghe lính vệ binh cộng hòa và lính kèn hô chuẩn bị. Họ đứng nghiêm mà mọi người ngẩng mặt nhìn lên trời. Lúc bấy giờ số phi cơ lên xuống phi trường Bourget cũng không nhiều lắm. Chúng tôi nghe tiếng phi cơ nổ lớn dần, rồi một ohi cơ hai động cơ là là hạ cánh trên phi đạo, chậm chạp chạy về sân đậu trước mặt chúng tôi. Dàn kèn trổ bài quốc ca Việt Nam trước, bài Marseillaise sau. Tôi rơm rớm nước mắt. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, trong đời tôi, tôi được chứng kiến một quốc trưởng Việt Nam được đón tiếp theo đúng nghi lễ ngoại giao. Cũng là lần đầu tiên tôi nghe bài quốc ca Việt Nam. Nhiều anh em Việt kiều quanh tôi sụt sịt khóc. Có những người Việt Nam sống ở Pháp lâu năm từ 1918 đến nay, hầu như quên tiếng Việt Nam, cũng không cầm được xúc động.

[Bấm chuột vào đây đọc các chương kế tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt