Báo chí ngoại quốc nói về Đại Hội 12 của CSVN

The Straits Times Singapore:

Tờ nhật báo The Straits Times của Singapore hôm  29/01/2016, có bài nhận định về Đại hội đảng Cộng Sản lần thứ 12 ở Việt Nam, vừa bế mạc hôm qua, cũng như về Đại hội đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào, bế mạc tuần trước. Bài viết có tựa đề : “Phe bảo thủ vẫn thắng thế ở Việt Nam và Lào”.

Ở Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng vừa tái đắc cử tổng bí thư ngày 27/01, còn ngày 22/01, ở Lào, ông Bounnhang Vorachit đã được bầu làm tân tổng bí thư. Qua hai kết quả bầu cử này, các nhà phân tích nhận định rằng đảng cầm quyền ở cả hai nước đều muốn có sự kế tục hơn là thay đổi sâu rộng, và họ sẽ không nhanh chóng tự do hóa hệ thống chính trị.

The Straits Times ghi nhận là ở Việt Nam, các đấu đá nội bộ đã không phá hỏng cơ chế lấy quyết định tập thể. Trả lời nhật báo Singapore qua điện thoại, giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales của Úc, cho rằng xu hướng tập trung, duy trì sự cân bằng, đã không thay đổi. Về phần ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên khách mời tại Viện Iseas-Yusof Ishak ở Singapore, thì nhận định : “Với việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra đi, họ đã cố gắng chặn đứng những đấu đá nội bộ và trở về với cơ chế lãnh đạo dựa trên đồng thuận”.

Nhìn vào thành phần Bộ Chính Trị vừa được bầu, trong đó có 12 uỷ viên mới, The Straits Times ghi nhận là trong cơ chế lãnh đạo này vẫn bao gồm ông Nguyễn Văn Bình, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, người đã từng được khen ngợi đã đề ra chính sách ổn định được tiền tệ và ông Phạm Bình Minh, bộ trưởng Ngoại Giao, từng được đào tạo ở Mỹ. Nhưng trong Bộ Chính Trị lại có bốn uỷ viên đến từ các cơ quan an ninh. Đó là những nhân vật có thế lực rất mạnh và ở Việt Nam một số người sợ rằng các cơ quan an ninh sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn.

Trong Bộ Chính Trị mới, một số người được xem là thân Mỹ, một số người khác là thân Trung Quốc. Ông Trọng cũng bị xem là thân Bắc Kinh, nhưng một số nhà phân tích cho rằng nói như thế là hơi quá đáng. Năm ngoái, ông Trọng đã là lãnh đạo đầu tiên của đảng Cộng Sản Việt Nam đến thăm Nhà Trắng và Việt Nam gần đây cũng đã ký hai hiệp định tự do mậu dịch, hiệp định với Liên Hiệp Châu Âu và hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, do Hoa Kỳ khởi xướng.

Việt Nam theo dự kiến sẽ đón tiếp tổng thống Barack Obam vào tháng 5 và Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Washington vào lúc Việt Nam phải đối phó với một nước Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông.

Xử lý những căng thẳng với Trung Quốc là một thách đố chủ yếu đối với giới lãnh đạo Việt Nam. Như lời giáo sư Carl Thayer, tâm lý chống Trung Quốc vẫn rất mạnh ở Việt Nam, nhưng họ phải cố kềm chế thái độ đó, vì họ không muốn đối đầu với Trung Quốc.

Nhìn sang bên Lào, The Straits Times nhắc lại rằng, theo truyền thống, giới lãnh đạo chính trị nước này vẫn chịu ảnh hưởng của Việt Nam. Trong khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở Lào ngày càng tăng, một số nhân vật thân Bắc Kinh không còn nằm trong Bộ Chính Trị nữa, theo như một số nguồn tin ngoại giao ở Viên Chăn. Tờ báo trích lời một nhà ngoại giao cho rằng “điều đó có thể là một dấu chỉ rằng nếu anh quá thân Trung Quốc thì anh sẽ bị loại ra ngoài”.

The Economist

Trong số ra ngày 30/01/2016, tuần báo The Economist của Anh có bài nhận định về Đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 12, với hàng tựa : “Những thủ đoạn của loài bò sát”.

Tờ báo viết: Khi Cụ Rùa Hồ Gươm chết đúng vào trước ngày khai mạc Đại hội Đảng, nhiều người ở Việt Nam đã nghĩ rằng đây là một điềm gở cho đảng cầm quyền. Một số người tự hỏi là không biết các lãnh đạo Đảng, vẫn tôn thờ chủ nghĩa Mác-Lênin lỗi thời, cũng có sẽ ra đi hay không.

Nhưng rốt cuộc Đại hội Đảng đã kết thúc với việc ủng hộ một con bò sát trẻ hơn chút ít. Sau tám ngày đấu đá kịch liệt hơn bao giờ hết, Đảng đã buộc vị thủ tướng rất được mến mộ và thân doanh nghiệp phải rời khỏi chính quyền khi mãn nhiệm kỳ trong vài tháng tới. Ông Nguyễn Phú Trọng, hơn 70 tuổi, được bầu lại làm tổng bí thư.

Các nhà phân tích trước đây đã nghĩ rằng ông Dũng có thể giành được chức tổng bí thư, vì ông có vây cánh rất rộng, và được sự ủng hộ của giới doanh nghiệp. Giới trẻ thì rất tán đồng lập trường thân Mỹ của ông Dũng, cũng như thái độ kiên quyết của ông trong việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tuy dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng có những tai tiếng về tham nhũng và vụ hai tập đoàn lớn bị phá sản, nhưng, như lời anh Phạm Khắc Quang, một nhà phân phối phụ tùng máy móc ở Sài Gòn, dẫu sao chính ông Dũng đã cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ.

Nhưng theo The Economist, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thua phe ông Trọng, vì những người chống ôn Dũng cho rằng cái cách tự đề cao mình và thái độ chống Trung Quốc để lấy lòng dân của ông là trái với đường lối lãnh đạo thận trọng, dựa trên đồng thuận của Đảng.

Theo tuần báo Anh, ban lãnh đạo mới của Việt Nam có thể sẽ làm chậm lại tiến trình tự do hóa kinh tế, nhưng sẽ không đảo ngược tiến trình này, cũng như cũng không đẩy lùi quan hệ với Mỹ. Hội nghị cuối cùng Ban Chấp Hành Trung Ương khóa cũ cũng đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.

The Economist cũng dự báo là phải chờ đến Đại hội lần tới vào năm 2021, mới có thể có những thay đổi sâu rộng hơn. Lúc đó, hàng loạt các đảng viên chỉ biết tiếng Nga, được nuôi dưỡng với lòng căm thù Mỹ, sẽ về hưu. Những người kế nhiệm có thể sẽ là các nhà kỹ trị được đào tạo ở phương Tây. Họ hiểu rằng sự tồn vong của Đảng là dựa trên việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như dựa trên việc thuyết phục giới trẻ Việt Nam rằng Đảng bảo vệ quyền lợi của họ.

Nhưng hiện giờ, các khẩu hiệu với cờ đỏ búa liềm vẫn bao phủ thủ đô và đa số người dân, giống như các thần dân của một vương quốc thế kỷ 15, vẫn không có quyền gì đối với những người lãnh đạo mình.

Le Monde của Pháp 

 Trận song đấu trên chóp bu của đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc với chiến thắng của một nhân vật nắm đặc quyền đặc lợi 71 tuổi. Ông Nguyễn Phú Trọng « kế vị » chính ông trên ghế tổng bí thư qua Đại hội 12 . Hệ quả là ông Nguyễn Tấn Dũng, người được xem là thành phần tân tiến trong Bộ Chính trị, sau 10 năm làm thủ tướng, muốn lên nắm ghế tổng bí thư đảng, bị hất ra ngoài. Với dẫn nhập trên đây, nhật báo Le Monde đặt câu hỏi then chốt theo quan điểm độc giả tây phương là liệu chiến thắng của phe « bảo thủ » có ảnh hưởng gì đến chính sách kinh tế, chính trị và ngoại giao của Việt Nam hay không ?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Tây phương ủng hộ vì ông đại diện cho chính sách kinh tế năng nổ, nhưng ông bị nội bộ chỉ trích trong các vụ công ty nhà nước bị phá sản gây thiệt hại nặng nề cho « Cộng hoà xã hội chủ nghĩa ». Bị tố cáo là kẻ tham ô, ông Nguyễn Tấn Dũng bị cô lập trong bộ chính trị cho dù ông tạo được hậu thuẫn trong Trung ương đảng.

Ông Trọng đã hứa với Mỹ”

Phần đông các nhà quan sát cho rằng sự kiện ông Nguyễn Tấn Dũng ra đi không ảnh hưởng gì nhiều. Theo nhà báo Võ Trung Dũng, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cam kết với Tây phương, nhất là với Mỹ, phê chuẩn Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình dương TPP. Ông Trọng cũng thuận theo chiều hướng đưa Việt Nam vào quy chế kinh tế thị trường.

Trách nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng giờ đây rất nặng nề trong việc thành hay bại trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi Việt Nam có được một tầng lớp cán bộ cao cấp và bộ trưởng có tư tưởng cởi mở và thiên về Tây phương trong bối cảnh căng thẳng thường xuyên với láng giềng phương Bắc. Là lãnh đạo theo đường lối Mác-Lê chính thống, là người xem Trung Quốc là đồng minh ý thức hệ tự nhiên của Việt Nam bất chấp hàng ngàn năm xung khắc, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ phải tỏ ra thực tế hơn.

Theo giới quan sát tại Hà Nội, không nên xem sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng tái nhiệm là một chiến thắng cá nhân mà thật ra là kết quả của đường lối chung từ khi lựa chọn giải pháp “đổi mới” (sau khi Liên xô sụp đổ ). Điểm khác biệt là phe ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không sốt sắng như cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài vào lãnh vực nông nghiệp và dịch vụ chẳng hạn.

Nói cách khác, cho dù các phe đều đồng ý tăng gia thương mại, nhưng với ông Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội sẽ khó mà chấp nhận những nhượng bộ quan trọng nhất : tôn trọng quyền lợi của người lao động và sở hữu trí tuệ. Thế mà đây lại là những cam kết thực hiện khi gia nhập TPP.

Trong lãnh vực chính trị thì luật chơi của phe bảo thủ sẽ gây hệ quả nặng nề hơn, ngăn chận mọi hy vọng cải cách dân chủ. Bổ nhiệm một bộ trưởng Công an làm chủ tịch nước là một trong những tín hiệu này. Tín hiệu thứ hai là tuyên bố của kẻ chiến thắng : tôi không tiện nói một số nước nhân danh dân chủ, nhưng cá nhân quyết định tất. Ông Nguyễn Phú Trọng còn cho rằng với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, Việt Nam có dân chủ hơn mọi nước.

Theo VOA, RFI

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt