Bac Sĩ Nguyễn Ngọc Khôi “hồi đáp” chỉ thị 45/TƯ của CSVN sặc mùi trơ trẻn…

Lời bạt của Nguyễn Ngọc Khôi MD: Thư gửi VNEXPRESS về Nghị Quyết 36 và Chỉ Thị 45 của Bộ Chính Trị Cộng Sản Việt Nam. Rất tiếc là tờ báo này của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam nên không thể có cuộc đối thoại thẳng thắn, trực diện với họ. Họ không có quyền đối thoại ngay thẳng, thật thà với chúng ta.
Tuy nhiên, tôi vẫn thấy cần viết lên những nhận định riêng để rộng đường dư luận. Tôi không mong gì họ có phương tiện đọc được những dòng này. Hoặc có đọc thì cũng ngậm câm cái miệng, không thể trả lời, vì trả lời sao được khi (họ) còn là bồi bút cho chuyên chính độc tài và khoác loác? Vậy xin phép anh em cho tôi được phép viết cho họ vài lời dù không mong gì họ có thể đọc.

Trước khi đọc bài trả lời của tôi dưới đây, xin quý vị cùng anh em xem Chỉ thị số 45-CT/TƯ về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới phía dưới (1)

Thư gửi Ông (Bà) Xuân Hoa
VNEXPRESS

Tôi có cơ hội đọc bài đang trên VNEXPRESS ngày thứ ba, 26/5/2015 nói về việc Bộ Chính Trị kêu gọi ngưởi Việt ở nước ngoài xoá bỏ mặc cảm, định kiến.

Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi Bộ Chính Trị của các anh có gan viết những dòng điêu ngoa, giả nhân giả nghĩa này. Dù biết các anh không thể đọc những dòng tôi viết, tôi vẫn muốn nêu lên đây những lỗi sai ngữ vựng cùng văn phong của Bộ Chính Trị các anh:

“Định kiến”? Tại sao lại định kiến? Tất cả những gì đảng CSVN đã làm cho dân Việt khốn khổ còn đầy đủ tang chứng. Sao có thể gọi là định kiến. Nếu Cộng Sản Việt Nam thật tâm yêu nước, xoá bỏ hận thù, nếu đừng hứa đi học tập cải tạo 1 tháng rồi cầm tù kẻ thua trận hàng chục năm, xử tử hay bỏ họ đói thì ai cần phải có định kiến với Công Sản làm gì? Nếu không thảm sát người dân Huế năm Mậu Thân thì ai cần giữ định kiến là người Cộng Sản tàn bạo hơn loài muông thú? Ai cho phép các anh đòi hỏi chúng tôi khép lại quá khứ khi các anh giết người không gớm tay? Đánh đập kẻ thù không thương tiếc? Ai cho phép các anh đòi chúng tôi khép lại quá khứ khi hàng chục ngàn thương binh Việt Nam Cộng Hoà, cụt tay, cụt chân bị các anh đuổi ra khỏi các Quân Y Viện khi các anh vào chiếm miền Nam và cho đến bây giờ họ còn sống vất vưởng trên hè phố Saigon, mà các anh đã đổi thành Thành Phố Hồ Chí Minh.

Thành phố HCM, tên anh hùng của các anh sao có nhiều người khốn khổ đến như vậy? Làm sao chúng tôi khép quá khứ khi các anh còn để những lở loét do chiến tranh gây nên còn vất vưởng trên đường phố Sài Gòn của chúng tôi? Và cả trên mặt các anh nữa, với những lời tuyên bố ồn ào, đạo đức giả? Ai cho phép anh khuyên chúng tôi quên quá khứ khi cán bộ của các anh lấy mỗi người hàng chục lượng vàng để làm lơ cho người liều chết bỏ xứ đi trên những con thuyền mỏng manh để rồi 90 phần trăm làm mồi cho cá mập?

Ai cho phép các anh đòi hỏi chúng tôi phải bỏ định kiến khi mà những ngày đầu của phong trào Cải Cách Ruộng Đất, người nạn nhân đầu tiên bị xử bắn lại là một ân nhân của các anh, một người đàn bà? Bà đã mang hết của cải, vàng bạc ra cúng “ Cụ” và “Cách Miệng” của các anh. Chưa hết, khi bỏ hình hài của bà vào áo quan, bọn cán bộ mất dạy thay mặt các anh đứng lên thây người ta giộng xuống như bỏ vào va-li. Các anh còn nhớ tên bà nạn nhân bất hạnh nay không hay các anh lâu ngày đã quên rồi? Để tôi nhắc các anh: đó là Bà Nguyễn Thị Năm, có cửa tiệm Cát Hanh Long ở Hải Phòng. Thời đầu cách miệng, Bà Năm nuôi ăn ở trong nhà những tên như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ v…v… Thế mà chúng và “Cụ” của các anh bất nhân bất nghĩa không cứu vớt. Lúc đó tôi mới 10 tuổi. Giờ đây, tôi trên 70. Thế mà tôi vẫn còn “định kiến” đấy các anh ạ.

“Mặc cảm”. Tại sao chúng tôi lại mặc cảm với các anh dù thua trận? Người thành Athènes thua người thành Sparte, họ có mặc cảm đâu? Vì văn hoá Athènes so với văn hoá Sparte một trời một vực. 25 thế kỷ rồi mà nhân loại vẫn nhắc Athènes và văn hoá của họ với những lời nể vì và quý trọng. Có ai nhắc tới văn hoá Sparte nữa đâu? Văn hoá Việt Nam Cộng Hoà chúng tôi hơn các anh nhiều lắm. Các anh cứ hỏi những chiến sĩ trong quân đội các anh khi vào đến Saigon bị ngộp như thế nào khi đứng trước sự giàu có không những về vật chất mà về tinh thần của dân Saigon?
Lính của các anh khi vào đến Saigon, chiếm nhà dân, thấy cái câu tiêu ngồi của dân Saigon, có chút nước phía dưới, bèn thả cá trong đó. Trình độ như vậy, việc gì chúng tôi lại mặc cảm với các anh?

Khi Nguyễn Minh Triết sang thăm Hoa-Kỳ, được vào nhà Trắng, anh ta mặc một bộ âu phục nhưng vì lạnh, thay vì mặc áo choàng manteau, anh đánh một cái áo len bên trong, trông như ngố rừng mới ra tỉnh. Các anh thử kiểm soát lại cái hình chụp thời đó xem tôi nói có đúng không. Lại nữa, khi đi thăm đại học Harvard, đứng cạnh một bức tượng, “ngài” còn với tay lên vịn chân bức tượng, giống như “sến” của chúng tôi chụp hình hay có thói với tay vịn lên cành hoa.

Nguyễn Tấn Dũng trang phục khá hơn. Nhưng khi sang thăm Pháp, lúc đó Thủ Tướng Pháp tên là Jean-Marc Ayrault. Khi đọc tiếng Pháp thì phải đọc “Mác Ê Rô”, Thủ Tướng nhà các anh lại đọc diễn văn gọi ông Thủ Tường Pháp là “ Monsieur Maquereau”. Maquereau tiếng Pháp là Ma Cô. Đài truyền hình Pháp chế riễu Thủ Tướng các anh trong suốt một tháng. Tôi không trách Nguyễn Tấn Dũng vì ông ta xuất thân là Y-Tá của các anh (không phải Y-Tá của chúng tôi giỏi hơn nhiều). Nhưng Trưởng Ban Nghi Lễ của các anh đâu? Giáo Sư Tiến Sĩ, Phó Tiến Sĩ khét danh Ngoại Ngữ của các anh đâu mà để Thủ Tướng ứng xử thảm hại như vậy? Mất thể diện Quốc Gia!

Các anh có bao giờ thấy Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu xử sự như vậy đâu? Họ trang trọng, học thức hơn các “ vị lãnh đạo” của các anh nhiều. Vậy làm sao chúng tôi lại phải “mặc cảm” với người Cộng Sản được?

Chính quyền các anh cho tên Thứ Trưởng (tép riu) Nguyễn Thanh Sơn sang Hoa-Kỳ vận động ngoại giao người Việt Hải Ngoại. Khi được vô tuyến truyền hình phỏng vấn, hắn mặc mộ bộ đồ quần nọ áo kia, bụng phưỡn ra, áo hở cổ, không cà vạt (coi YouTube), ngồi vắt chân như anh hàng thịt. Thử hỏi các vị làm tại Bộ Ngoại Giao thời Đệ Nhất hay Đệ Nhị Cộng Hoà của nước tôi có dám trang phục như vậy mà còn mong giữ được việc không bị đuổi không? Dĩ nhiên quen với phong tục trang nhã, chúng tôi có định kiến, chúng tôi không thể có mặc cảm với tên Nguyễn Thanh Sơn, chỉ có thương hại.

Tội nghiệp cho Nguyễn Thanh Sơn. Hắn ta cũng cố gắng làm theo nghị quyết số 36 của các anh. Cũng có thiểu số về thăm Trường Sa, Hoàng Sa với hắn (khi Trung Cộng đi ngủ không canh gác). Cũng có thiểu số đón gió bàn tới chuyện Hoà Hợp, Hoà Giải. Môi trường Dân Chủ nó thế. Không phải cái gì cũng phải “nhất trí” như các anh. Nhưng chỉ là thiểu, thiểu số. Ngay trong báo các anh, các anh chỉ dám đăng lên hình các em du học sinh, con cháu các anh ở Nhật. Nhật Bản không phải là xứ người Việt tỵ nạn Cộng Sản di trú. Sao các anh không sang miền Nam California, hay miền Đông Hoa Thịnh Đốn, sang Đức, sang Pháp, nơi Nguyễn Thanh Sơn hoạt động ráo riết? Nơi có thật đông đồng bào tỵ nạn Cộng Sản? Mỗi lần những nhân vật lãnh đạo các anh đến những nơi trên, đều được chúng tôi tiếp đón bằng cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tình phản đối. Chủ Tịch các anh, thằng Trương Tấn Sang, không giết được chúng tôi, chúng tôi thoát khỏi gông cùm CS, hắn trở mặt “nhân nghĩa bà Tú Đễ” (tôi còn nhớ câu rất Bắc Kỳ này) cám ơn Tổng Thống Obama đã lo cho dân gốc Việt Nam. Đánh không xong, tha mày làm phúc. Ai nhờ nó (Trương Tấn Sang) cám ơn Tổng Thống Mỹ?

“Cùng hướng tới tương lai”: Tương lai nào? Có phải tương lai làm quận huyện cho quan thầy Trung Cộng không? Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp lạy Mao Trạch Đông xin viện trợ. Nó gửi Trần Canh qua cố vấn, đánh trận Cao Bắc Lạng. Lã Quý Ba sang cố vấn chính trị, Vi Quốc Thanh sang điều khiển trận Điện Biên Phủ. Giờ này chúng đòi các anh trả nợ. Các anh nhường Cao nguyên Trung phần (Tây Nguyên) cho chúng khai thác Bauxite. Tỉnh nào cũng có đặc khu (nơi đặc biệt) cho Tàu Cộng. Người dân không có quyền bén mảng vào. Cả bãi tha ma của chúng cũng không được vào. Tương lai tối quá.
Chỉ có một lối thoát: muốn xa Trung Cộng, phải lật đổ Đảng Cộng Sản. Các anh khuyên chúng tôi “nên tin cậy lẫn nhau” . Làm sao tin cậy các anh khi các anh bán nước cho Trung Cộng? Thằng Nguyễn Phú Trọng nó có lên tiếng chống Trung Cộng đâu?

Cộng Sản làm gì có tương lai. Người Ba Lan, Đông Đức, Hung Gia Lợi biết thế. Các anh không biết vẫn theo con đường cụt Cộng Sản. Làm gi có tương lai? Làm gì có tương lai khi làm nô lệ cho Tàu Phù?

“Chấp nhận những điểm khác nhau”: Chu choa! Cộng Sản chấp nhận quan điểm khác nhau từ hồi nào vậy? Khởi đầu “Cách Miệng” của các anh, người nạn nhân đầu tiên chỉ vì không cùng quan điểm với các anh là Thượng Thư Bộ Học Thượng Chi Phạm Quỳnh. Khi giết ông, các anh nhẫn tâm dùng xẻng đập vỡ đầu ông, các anh hành động như thú. Sau Phạm Quỳnh, biết bao nhiêu người bị các anh thủ tiêu chỉ vì không đồng quan điểm. “Chấp nhận những điểm khác nhau” … lại còn thêm “không trái với lợi ích chung của dân tộc”. Thế nào là không trái với lợi ích của dân tộc? Ai định nghĩa thế nào là không trái với lợi ích của dân tộc? Các anh, chúng tôi hay có Tối Cao Pháp Viện ? Mà các anh có Tối Cao Pháp Viện không nhỉ? Vậy ai giải quyết khi các anh và chúng tôi không đồng ý? Hay các anh lại dùng súng thủ tiêu chúng tôi? Thật là viên thuốc độc bọc đường! Các anh nói cho Mỹ nó nghe, đừng nói với chúng tôi như vậy. Và có lẽ tôi đúng, các anh đang nói, hy vọng làm vừa lòng ông John Mc Cain, mới sang thăm các anh, ông Tổng Thống Obama với hy vọng nước Mỹ sẽ che chở cho các anh khỏi nạn phương Bắc. Sao các anh thơ ngây quá vậy. Hoa Kỳ và Trung Cộng có trò chơi riêng của cường quốc. Việt Nam chỉ là con chốt trên bàn cờ của họ

Rõ ràng, cách đây 10 năm, các anh đã đẻ ra Nghị Quyết 36 đối phó với người Việt tỵ nạn CS. Các anh đã không thành công vì không ai tin các anh. Nay lại ra cái Chỉ Thị 45 này. Và rồi còn bao nhiêu Nghị Quyết, Chỉ Thị nữa? 45, 57, 69, vân vân và vân vân? Thôi các anh đừng tốn công. Với cố gắng của các anh đã có người dại nghe theo, mang tiền của về làm ăn với các anh, bị các anh lấy luật này luật nọ, tịch thu tài sản của người ta, họ lại mò về Mỹ. Có người mộng về hưu tại quê nhà. Khi đau vào nhà thương các anh, bị Bác Sĩ được các anh huấn luyện vòi tiền, cũng bèn mò về… Mỹ. Tôi biết có một Bác Sĩ rất thành công miền Bắc California, ông thành công và thừa tiền, chỉ muốn về giúp đỡ dân Việt. Ông bèn mua đủ mọi dụng cụ Y-Khoa, đủ máy thông động mạch tim. Ít lâu sau, ông ta cũng bị các anh “mời” ra đi vì có lẽ ông này ngoài việc giảng dạy chuyên môn, đã trót dạy và nói nhiều vê Tự Do Dân Chủ ở Hoa-Kỳ nhiều quá?

Thôi các anh hãy để tên Nguyễn Thanh Sơn trong cương vị Thứ Trưởng đi. Dù không được việc gì, đó không phải vì lỗi của hắn mà vì chúng tôi hết tin tưởng các anh. Các anh cứ để Nguyễn Thanh Sơn trong công việc các anh giao phó. Ít nhất, hắn đã trở thành trò tiêu khiển của chúng tôi. Trưởng thành trong nôi của Việt Nam Cộng Hoà, không phải một Quốc Gia Công An, trải qua 40 năm sống tại các nước dân chủ, làm sao các anh kiếm được người thuyết phục chúng tôi? Chúng tôi sẽ dạy con cái về cái Chính Thể Cộng Sản Công An của Cộng Hoà Chủ Nghĩa Xã Hội Việt Nam. Chúng sẽ dạt ra xa cho đến khi các anh tự chôn các anh với những lời láo khoét và tâm hồn chồn cáo. Rồi chúng sẽ về giúp lớp trẻ xây dựng lại một nước Việt Nam hùng cường, tư cách hơn, không học cái điếm đàng, ăn gian nói dối của Tàu Cộng.

Khi nào các anh có tự do viết những gì các anh nghĩ như tôi đang thoải mái viết lá thư này, các anh báo cho tôi biết, tôi sẽ lại vui lòng tiếp chuyện. Tôi không cấm được các anh viết cho người trong nước vì đó là phận sự do mấy tên đầu nậu Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng của các anh giao phó. Nhưng khi các anh viết như thế này mà gửi ra ngoại quốc, con vẹt JoJo (tôi nuôi con vẹt Phi Châu xám rất giỏi nói tiếng người) của tôi nó kêu lên “Khỉ ơi, xạo quá!!”. Thôi, xin các anh đừng lấy vải thưa che mắt thánh nữa (lại một câu rất Bắc tôi còn nhớ).

Chào các anh,

Nguyễn Ngọc Khôi, SVHD16

————–

(1) Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

LTS của báo VNexpress- Ngày 19-5-2015, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TƯ về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ, ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 36), công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều tiến bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đã góp phần tích cực vào việc tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao ý thức tự hào dân tộc, lòng yêu nước, gắn bó với quê hương đất nước, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, vươn lên trong cuộc sống, hội nhập vào nước sở tại.

Đến nay, một bộ phận lớn bà con đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội nơi họ đang sống và làm việc. Tiếng Việt được sử dụng là ngôn ngữ chính của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài song hành cùng tiếng nói của nước sở tại. Bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam được bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng nâng cao, thực sự là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là cầu nối quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các nước sở tại; đồng thời góp phần tích cực xây dựng quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 36 thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Việc ban hành và thực hiện một số cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài bảo tồn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc và góp phần xây dựng đất nước còn chậm, chưa đồng bộ, kết quả còn hạn chế. Một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài chưa có địa vị pháp lý ổn định. Một số bà con vẫn còn giữ thái độ định kiến, mặc cảm; một số ít người còn có tư tưởng, hành động không phù hợp với lợi ích dân tộc.

Những hạn chế, bất cập trên, chủ yếu là do một số cơ quan Trung ương và địa phương nhận thức chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, thống nhất về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; các cơ quan trực tiếp làm công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp chưa chặt chẽ, còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; bộ máy tổ chức, cán bộ và kinh phí cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trong quá trình nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng cả về số lượng và địa bàn cư trú, có cuộc sống ngày càng ổn định, có tiềm lực về tri thức và kinh tế, có vị trí và ảnh hưởng trong xã hội nước sở tại. Tình hình quốc tế, trong nước và những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới đòi hỏi công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần được tăng cường, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát triển vững mạnh, nâng cao uy tín, tham gia tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước sở tại; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả những chủ trương, phương hướng công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã nêu trong Nghị quyết 36; đồng thời, tập trung thực hiện thật tốt những nội dung trọng tâm sau: 1- Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung…; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xóa bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2- Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tăng cường hơn nữa sự gắn bó của người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước. Mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Tiếp tục quan tâm, sớm có giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần cởi mở, chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Kiên trì vận động, thuyết phục những người còn giữ định kiến, mặc cảm.

3- Người Việt Nam ở nước ngoài là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Ủng hộ và khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tôn trọng pháp luật và hội nhập vào xã hội nước sở tại, nơi bà con sinh sống. Phối hợp chặt chẽ với các nước có người Việt Nam sinh sống nhằm hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc, bảo đảm cuộc sống lâu dài ở nơi cư trú. Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh, người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài.

4- Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, phương hướng và nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết 36; đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài khi về Việt Nam sinh sống và làm ăn; sớm cấp lại quốc tịch cho những người có đủ điều kiện; tạo thuận lợi hơn nữa trong việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, đầu tư, chuyển, nhận và sử dụng kiều hối.

Thường xuyên tổ chức cho người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến và tham gia vào các sự kiện chính trị – xã hội lớn của đất nước.

5- Rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần vào thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các nước vào Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Có chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

6- Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc; hỗ trợ dạy và học tiếng Việt hiệu quả, sớm triển khai chương trình, dạy tiếng Việt qua mạng phù hợp với từng địa bàn; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần của bà con theo truyền thống dân tộc và phù hợp với đặc thù, pháp luật của nước sở tại.

7- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại bằng nhiều hình thức phù hợp (các kênh phát thanh, truyền hình phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài, phát thanh, truyền hình đối ngoại, truyền hình qua mạng IPTV hoặc hệ thống truyền hình của nước sở tại…). Tranh thủ, phát huy các phương tiện truyền thông của cộng đồng nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho người Việt Nam ở nước ngoài về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Thông qua người Việt Nam ở nước ngoài, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền và vận động bạn bè quốc tế.

8- Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ; mở rộng vận động, tiếp xúc những cá nhân có uy tín, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Nghiên cứu xây dựng chính sách, hỗ trợ các tổ chức hội đoàn, lực lượng nòng cốt trong cộng đồng; nghiên cứu thí điểm công nhận các chi hội người Việt Nam ở nước ngoài là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam… Đẩy mạnh công tác khen thưởng người Việt Nam ở nước ngoài có công với đất nước và công tác cộng đồng.

9- Kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ; đổi mới phương thức hoạt động và cơ chế phối hợp triển khai công tác về người Việt Nam ở nước ngoài từ Trung ương đến địa phương theo nguyên tắc thu gọn đầu mối, rõ ràng, rành mạch về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, không làm tăng biên chế.

Kiện toàn bộ máy Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng chuyên sâu, làm tốt vai trò cơ quan tham mưu, thống nhất quản lý công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

10- Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới các văn bản pháp luật và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.

Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện “Chương trình hành động về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36- NQ/TƯ của Bộ Chính trị khoá IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2015 – 2020”.

Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy các đơn vị sự nghiệp Trung ương và cấp ủy trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai, định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị.

Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng ủy Ngoài nước, Ban Đối ngoại Trung ương và các ban, ngành, đoàn thể liên quan và các cấp ủy địa phương tổ chức phổ biến Chỉ thị này đến cán bộ, đảng viên, nhân dân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; chịu trách nhiệm giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo dõi, định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị.

Chỉ thị này được phổ biến, quán triệt đến chi bộ để thực hiện.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt