Ả Rập Xê-út trải thảm đỏ đón Tổng thống Trump

Ảnh do Cung điện Hoàng gia Saudi cung cấp, chụp Vua Salman và TT Trump tại buổi lễ ký kết ở Riyadh, ngày 20/5/2017

Tổng thống Donald Trump đã tới “Riyadh, thủ đô của Ả Rập Xê-út, khởi đầu chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài trong cương vị Tổng thống Hoa Kỳ.
Ông Trump và phu nhân Melania được Quốc vương Salman Bin Abdulaziz nghênh đón tại phi trường. Nhà vua cùng vợ chồng ông Trump sau đó đi bộ trên thảm đỏ tới “hội trường hoàng gia”, một cổng ở phi trường này. Vài phút sau, Tổng thống và phu nhân cùng nhà vua Ả Rập Xê-út rời phi trường trên đoàn xe có hộ tống chạy vào thành phố.
An ninh được siết chặt thấy rõ tại phi trường với sự hiện diện của nhiều quân xa trang bị vũ khí.

Từ trước tới nay, chưa từng có một Tổng thống Mỹ nào chọn Ả Rập Xê-út làm điểm đến trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài.

Quyết định này của Tổng thống Trump là một chọn lựa gây ngạc nhiên, đặc biệt sau những lời lẽ cổ vũ cho chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà ông Trump liên tục nhắc đến trong chiến dịch vận động tranh cử, cũng như lời kêu gọi của ông cấm người Hồi giáo nhập cư và những sắc lệnh hạn chế du hành đối với 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo.

Ả Rập Xê-út, nước có quan hệ lâu dài và sâu rộng với Hoa Kỳ về mặt năng lượng và quốc phòng, không có tên trong danh sách các nước bị cấm du hành.

Tổng Thống Trump ở Ả rập Xê út

Tổng Thống Trump ở Ả rập Xê út

Trong hai ngày ở Ả Rập Xê-út, dự kiến một thỏa thuận vũ khí trị giá hơn 100 tỉ đôla sẽ được trình làng, và gia đình hoàng gia Ả Rập Xê-út đã mời hàng chục nhà lãnh đạo trên khắp thế giới Hồi giáo đến gặp ông Trump.

Trong ngày đầu tiên tại đây, ông Trump sẽ dành hầu hết thời gian để gặp Quốc vương Salman và các thành viên khác trong gia đình hoàng gia trước khi dự một buổi dạ tiệc. Ngày mai, Chủ nhật 21/5, ông sẽ gặp hàng chục nhà lãnh đạo Ả rập và Hồi giáo tại một hội nghị thượng đỉnh mà chủ đề là thảo luận về những phương án chống chủ nghĩa cực đoan.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm thứ Sáu xác nhận ông sẽ đến dự hội nghị cấp cao này.

Một người phát ngôn của chính phủ Indonesia nói:

“Chúng tôi coi đây là một cuộc họp quan trọng bởi vì đây là lần đầu có cuộc gặp gỡ giữa tân chính phủ Mỹ và các nước Hồi giáo, để bàn về những vấn đề mà tất cả đều quan tâm, đặc biệt là cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố.”

Trọng tâm chuyến đi

Đối mặt với những vụ tai tiếng chính trị ở trong nước, Tổng thống Trump muốn dùng chuyến công du để đưa ra một hình ảnh về chính quyền của ông như một lãnh đạo toàn cầu bằng cách giúp thiết lập một liên minh với các nhà lãnh đạo Hồi giáo đồng tâm muốn chiến đấu chống “chủ nghĩa khủng bố cực đoan Hồi giáo”, theo cách gọi của ông Trump, một cụm từ mà người Ả Rập Xê-út tránh dùng.

Dân biểu Thomas Suozzi, một thành viên thuộc tiểu ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ về Trung đông, nói với VOA rằng điều rất quan trọng là Tổng thống Trump phải vươn ra tới các nước có đa số dân theo Hồi giáo, phân biệt đâu là bạn hữu và hợp tác với họ để cùng chung tay đánh bại những kẻ thù chung.

Ông nói: “Chúng ta phải thừa nhận rằng đa số tín đồ Hồi giáo là những người yêu chuộng hòa bình, có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ và muốn thấy một thế giới hài hòa, và chúng ta cần đồng hành với họ.”

Một viễn kiến chung với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo để củng cố cuộc chiến chống lại al-Qaida và nhóm tự xưng là Nhà Nước Hồi giáo, cũng sẽ đặt ông Trump rõ rệt vào một phe trong sự chia rẽ ý thức hệ giữa người Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shia trong thế giới Hồi giáo.

Người Ả Rập Xê-út theo Hồi giáo Sunni, trong khi người Iran, đa số theo Hồi giáo Shia.

Tranh chấp khu vực

“Đi thăm Riyadh là một động thái mang biểu tượng lớn đối với Iran”, theo ông Mike Pregent, một nhà nghiên cứu thuộc viện Hudson.

Nhà phân tích các vấn đề Trung đông nói với VOA rằng nỗ lực thiết lập các liên minh mới bao gồm các thế lực chống Iran trong khu vực đang diễn ra bởi lẽ các nước này coi Iran là “mối đe dọa lớn nhất sau ISIS, và ISIS sẽ không bao giờ bị tiêu diệt vì có Iran hậu thuẫn.”

Trong khi các giới chức chính phủ Mỹ nói ông Trump là người mạnh mẽ tin tưởng vào nhân quyền, họ thừa nhận vấn đề nhân quyền sẽ không phải là đề tài quan trọng được mang ra thảo luận trong chuyến đi này.

Điều này gây phẫn nộ nơi nhiều người.

Bà Sarah Leah Watson, Giám Đốc Tổ chức Human Rights Watch tại Trung Đông, nói với VOA rằng Ả Rập Xê-út là một đối tác ‘lạ đời’ của Mỹ, nếu Mỹ muốn đánh bại ý thức hệ cực đoan bạo động “bởi vì chính quyền Ả Rập Xê-út và các chính sách của họ là một trong những nguồn chủ yếu đưa đến cực đoan bạo động”

Để chứng tỏ mong muốn của họ muốn thắt chặt liên minh thân thiết hơn nữa với Washington, nước chủ nhà sẽ chủ trì một diễn đàn trên truyền thông xã hội, để lắng nghe ông Trump đọc một bài diễn văn gửi đến thế giới Hồi giáo vào ngày mai.

Thêm vào đó, Ả Rập Xê-út còn tổ chức một hội nghị chống khủng bố, khai mạc một trung tâm nghiên cứu “chống tư tưởng cực đoan”, đồng thời tiên đoán rằng nhiều thỏa thuận doanh thương quan trọng sẽ được ký kết tại diễn đàn dành cho các giám đốc điều hành công ty.

Trump ở Ả Rập Xê-út: Vua trao huân chương, ký hợp đồng 100 tỉ

Quốc vương Ả Rập Xê-út Salman bin Abdulaziz và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký một hợp đồng trị giá gần 110 tỉ đôla hôm thứ Bảy 20/5, để tăng cường khả năng quân sự của Ả Rập Xê-út.

Hợp đồng quốc phòng này có hiệu lực tức thời, và chỉ là một trong hàng loạt thỏa thuận mà hai nước đã ký để củng cố các quan hệ đối tác quân sự và kinh tế, kể cả có một hợp đồng quốc phòng thứ nhì với các dự án có trị giá lên tới 350 tỉ đôla trong 10 năm tới.

“Đây là một ngày hết sức tuyệt vời”, Tổng thống Trump nói trong cuộc hội kiến với Thái từ Ả Rập Xê-út Muhammad bin Nayef tại một khách sạn ở Riyadh.

Ông Trump nói thêm “Việc làm, việc làm và việc làm!”, ám chỉ các cơ hội nhân dụng mà các thỏa thuận này cung cấp.

Trong một thông báo, Toà Bạch Ốc nói các thỏa thuận về quốc phòng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty Mỹ ở Trung Đông, và hỗ trợ “hàng chục ngàn” việc làm mới trong lĩnh vực quốc phòng tại Hoa Kỳ.

Thông cáo của Toà Bạch Ốc còn nói các hợp đồng này sẽ giúp hai nước giải quyết các mối đe dọa chung hữu hiệu hơn.

Bao gồm trong các thỏa thuận quốc phòng, 6 tỉ đôla được cam kết cho một dự án lắp ráp máy bay trực thăng Blackhawk của tập đoàn Lockheed Martin ở Ả Rập Xê-út. Dự kiến dự án này có khả năng tạo 450 việc làm ở Ả Rập Xê-út.

Gói thỏa thuận quốc phòng còn bao gồm nhiều tàu chiến, xe tăng, hệ thống phòng thủ phi đạn, và công nghệ an ninh mạng.

Bên cạnh đó, tập đoàn General Electric của Mỹ hôm thứ Bảy cho biết đã ký nhiều hợp đồng trị giá 15 tỉ đôla với các tổ chức Ả Rập Xê-út.

Saudi Aramco dự kiến công ty này sẽ ký các hợp đồng trị giá 50 triệu đôla với các công ty Mỹ trong một nỗ lực nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của vương quốc, ra ngoài lĩnh vực xuất khẩu dầu hỏa.

Trước đó trong ngày, Vua Salman đã trao huân chương dân sự cao quý nhất của vương quốc Ả Rập Xê-út cho Tổng thống Trump trong một cuộc gặp gỡ tại Cung điện Hoàng gia ở Riyadh.

Hiện diện trong buổi lễ có Đệ nhất Phu nhân Melania, ái nữ Tổng thống Ivanka, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Chánh Văn phòng Tổng thống Reince Priebus, Cố vấn Chiến lược Steve Bannon và cố vấn Tổng thống Jared Kushner, cũng là con rể của ông Trump.​

Steve Herman (VOA)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt