Bên Giòng Lịch Sử 1940–1965 Hồi Ký Lm. Cao Văn Luận: Chương 28 & 29

Trong giòng Lịch Sử Cận Đại của Việt Nam, vì lý do chính trị thay đổi thường xuyên nên sự kiện ghi lại cũng không được trung thực. Trang nhà https://www.vietquoc.org nhận thấy cuốn “Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965” của Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, mang nhiều tính khách quan, vậy xin độc giả đọc từ đầu đến cuối để có cái nhìn trung thực về lịch sử.  Sau đây là Chương 28 & 29

[Bấm chuột vào đây để đọc chương trước]

Chương 28:
Cuộc hội kiến với Nguyễn Đệ

Trở về nhà ông Auberty, tôi lo thu xếp ngay việc đi gặp Nguyễn Đệ. Theo các bạn cho tôi biết, Nguyễn Đệ và đoàn tuỳ tùng đang đóng đô tại một khách sạn lớn ở Ba-Lê.

Đệ với tôi cũng là chỗ quen biết, thời gian Hồ Chí Minh sang Ba-Lê, chúng tôi lại có dịp gặp gỡ nhau nhiều lần.

Ỷ vào sự quen biết này, tôi điện thoại thẳng cho Đệ và hẹn sáng mai sẽ đích thân lại thăm. Hôm sau, vừa gặp Đệ, không để Đệ kịp hỏi thăm gì, tôi hỏi ngay:

– Tôi lại thăm anh là vì chuyện ông Diệm. Tôi muốn biết ý anh với việc để ông Diệm về nước chấp chánh? Câu hỏi của tôi có vẻ sỗ sàng quá khiếi Nguyễn Đệ lúng túng một giây, rồi mới trả lời:

– Cha hỏi đột ngột quá làm con chưa biết trả lời cha ra sao cho đúng ý. Nhưng hẳn cha cũng rõ, việc ông Diệm về nước hay không còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố, phần ở quốc dân, phần ở Đức quốc Trưởng, phần ở chính ông Diệm…

Tôi nói thẳng với Đệ:

– Trước đây tôi nhờ anh em can thiệp giùm cho xuất ngoại, chỉ tính là để sang Mỹ coi chừng bọn sinh viên, nhưng khi tôi ghé lại Ba-Lê thì mục đích chính là để gặp ông Diệm và gặp anh. Tình hình trong nước lúc này chắc anh cũng rõ là tuyệt vọng lắm rồi. Mọi lá bài đều đã được dùng hết mà chẳng mang lại gì. Quốc dân lúc này không còn tin được vào ai nữa ngoài ông Diệm. Mới hôm qua đây tôi đã gặp ông Diệm để yêu cầu ông thu xếp về nước. Ông Diệm có nói là lúc này chính ông cũng mong trở về, nhưng ông sang Ba-Lê đã lâu mà vẫn không nghe thấy anh cũng như ngài Quốc Trưởng nói gì. Do đó tôi mới thấy cần biết ý kiến anh về vụ này.

Nguyễn Đệ yên lặng nghe tôi nói một hồi, rồi mới trả lời:

– Cha đã gặp ông Diệm và biết hết mọi chuyện rồi, thành thử con cũng xin thưa thật với cha: Đức Quốc Trưởng cũng như con đầu đã nghĩ tới ông Diệm, không phải bây giờ mà từ năm 1948, khi đón cha lên Đà Lạt. Nhưng kẹt cái là anh em họ Ngô xưa nay vốn kiêu ngạo quá lố. Dù con có muốn lo cho ông Diệm về đi nữa, thì chính ông cũng phải gặp Đức Quốc Trưởng mà trình bày với ngài. Không lẽ cha đòi con phải đưa Đức Quốc Trưởng tới lạy ông Diệm sao?

Nguyễn Đệ càng nói càng nóng, khiến tôi phải dấu dịu:

– Vấn đề chỉ là ý kiến của anh ra sao đối với ông Diệm thôi, chứ đâu có gì đến nỗi trầm trọng như vậy.

Nguyễn Đệ vẫn còn có vẻ hậm hực:

– Con không biết ông Diệm đã kể với cha chưa, nhưng mới cách đây ít hôm, ngay khi vừa tới Ba-Lê, con đã lại thăm ông Diệm ngay. Thực sự ý con khi lại thăm là muốn mời ông Diệm gặp Đức Quốc Trưởng. Nhưng cha biết sao không? Thay vì phải nói chuyện công việc thì vừa gặp nhau, ông Diệm đã sa sả trách móc con về những chuyện xích mích riêng tư từ cả chục năm trước. Không những thế ông không thèm tiếp con một mình mà gọi cả lô người đâu đâu vào chật cả phòng. Con hỏi cha, ông ta đã cố chấp đến vậy, làm sao con có thể nói chuyện quốc sự với ông ấy được. Với lại, cha cũng biết con chỉ là người được Đức Quốc Trưởng uỷ cho thăm dò sơ bộ thôi chứ có quyền hạn gì đâu…

Câu chuyện, theo lời Nguyễn Đệ, quả đã đến chỗ bế tắc. Tôi suy nghĩ một lát, rồi cố nói hết ý mình cho Đệ nghe:

– Tôi cũng xin nói thất với anh, mình biết nhau đã lâu, thiết tưởng cũng chẳng cần quanh co úp mở làm gì. Dù ông Diệm về nước hay không đối với cá nhân tôi chẳng ăn thua gì, nhưng lúc này cả quốc dân trông vào ông, vì ngoài ông cụ ra, cũng chẳng còn ai cứu vãn nổi tình thế.

Tôi chẳng biết khi về nước, ông Diệm sẽ thành hay bại. Nhưng dù sao cũng phải để cho ông có cơ hội trở về. Anh nói không có quyền gì là nói không thật. Đứa con nít cũng rõ là lâu nay Bảo Đại chỉ biết có chơi bời, săn bắn, uỷ thác hết mọi việc cho anh. Như vậy, ông Diệm có về nước được hay không là hoàn toàn ở trong tay anh, anh phải lo liệu cho ông về. Nếu không anh sẽ là người có lỗi trước lịch sử.

Tôi còn nói nhiều lắm với Nguyễn Đệ, để dồn Đệ tới chỗ phải xoá mọi hiềm khích với ông Diệm mà lo cho ông về. Hình như tôi cũng thành công phần nào, vì cuối cùng, trước khi tôi ra về, Nguyễn Đệ đã đành phải hứa:

– Thôi, cha yên tâm. Con xin hứa với cha nội trong mùa hè này, bằng mọi cách con sẽ thu xếp để đưa ông Diệm xuống Cannes gặp Đức Quốc Trưởng. Cha có gặp lại ông Diệm, xin cha nói rõ lòng con cho ông biết.

Thuyết phục được Nguyễn Đệ nhận lời không cản trở ông Diệm về nước tôi an tâm phần nào. Nhưng ngoài Đệ ra tại Ba-Lê, lúc ấy, vẫn còn không ít thế lực chống lại việc đưa ông Diệm về nước.

Chương 29:
Cuộc hội kiến với một lãnh tụ Cộng sản Nguyễn Khắc Viện

Trong những nhóm chống đối với việc trở về chấp chánh của ông Diệm, trước hết có nhóm trí thức thân Pháp như Nguyễn Đắc Khê, Nguyễn Quốc Định, Bửu Kính v.v… Họ muốn vận động cho một người trong nhóm họ là Bửu Lộc về lập chính phủ thay Nguyễn Văn Tâm nói là một chính phủ chuyển tiếp để chuẩn bị cho ông Diệm trở về sau này, chứ để cho ông Diệm trở về ngay lúc đó thì sẽ có nhiều va chạm và đổ vỡ. Nhưng nhóm chống đối mãnh liệt nhất là nhóm Việt kiều Cộng sản hay thân cộng mà lãnh tụ là Nguyễn Khắc Viện.

Viện là người Hà Tĩnh đồng quê với tôi, đã sang Pháp học Y Khoa vào khoảng 1936. Lúc tôi ở Pháp tôi đã quen thân với Viện nhiều. Vào khoảng 1942, Viện cùng với ba sinh viên khác, cũng người Hà Tĩnh là Lê Thiêm, Hoàng Xuân Nhĩ và Trần Du, vì tưởng rằng Đức Nhật sẽ thắng Pháp và Đồng minh, nên đã trốn sang Đức với mục đích nhờ Đức giúp thành lập một mặt trận chống Pháp dành lại độc lập cho Việt Nam. Nhưng khi Đức bại trận thì họ lại trở về Paris và khi cụ Hồ sang Pháp điều đình với Pháp thì họ đã nhập hàng ngũ Cộng sản ngay và từ đó Viện đã trở thành lãnh tụ hăng say và đắc lực của nhóm Việt kiều Cộng sản.

Khi nghe tôi trở lại Paris để vận động cho ông Diệm trở về nước chấp chánh, Viện đã tìm cách gặp tôi để khuyên tôi bỏ ý định ấy. Một ngày sau khi tôi đã gặp ông Diệm và Nguyễn Đệ, Viện đã điện thoại cho tôi và xin đến gặp tôi tại nhà ông Auberty vào 9 giờ tối hôm ấy. Tôi trả lời bằng lòng tiếp, sau khi đã xin phép ông Auberty.

Nghe tôi báo tin sẽ tiếp một cán bộ Cộng sản cao cấp tại nhà, ông Auberty hoảng hồn, lo lắng ra mặt, nên mặc dù tôi đã giải thích kỹ với ông, ông vẫn quyết định hủy cuộc đi chơi tối nay, để:

– Tôi sẽ ngồi canh chừng ở phòng bên cạnh trong khi cha tiếp “tên Cộng sản”.

Đúng giờ hẹn, Nguyễn Khắc Viện mang theo hai người tùy tùng đến và tôi tiếp bọn Viện ở phòng khách.

Viên sứ giả của cụ Hồ ở Ba-Lê tươi cười bắt tay tôi, tíu tít nhắc nhở một lô bạn bè cũ như Phạm Huy Thông, Hoàng Xuân Nhĩ, Lê Thiêm v.v… Nhưng rồi cuộc gặp gỡ cũng vô đến chuyện chính. Đúng như tôi đã tiên đoán phần nào, vấn đề khiến Viện phải đến gặp tôi vẫn chỉ là chuyện ông Diệm. Viện nói với tôi:

– Tôi nghe nói cha sang đây để vận động cho ông Diệm về nước chấp chánh?

Thấy câu chuyện đã vô đề, tôi vẫn tươi cười hỏi Viện:

– Chắc chỉ vì chuyện này mà anh đến thăm tôi phải không?

Viện thật thà đáp:

– Thưa cha đúng vậy, sở dĩ tôi phải xin gặp cha là vì nếu cha cố đưa ông Diệm về nước lúc này, tôi e hậu quả sẽ rất tai hại.

Tôi ôn tồn bảo với Viện:

– Anh đã tới thăm, chắc sẽ còn cho tôi nghe nhiều chuyện hay lắm, nhưng trước hết tôi thấy cần phải nói lại với anh, tôi đâu có quyền thế chi mà tính vận động cho ông Diệm về nước được. Tôi ghé Ba-Lê chỉ là để thăm ông và thăm bạn hữu mà thôi, còn việc ông có về hay không hẳn anh thấy rõ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, nào Pháp, nào Bảo Đại…

Viện hơi cúi mặt xuống, cười có vẻ am hiểu:

– Tôi có nghe nói lại là cha đã gặp ông Diệm và sáng nay mới gặp Nguyễn Đệ?

Thấy Viện có vẻ biết hết đường đi nước bước của mình, tôi đành nói thẳng:

– Có, tôi có đến thăm ông Diệm và gặp Nguyễn Đệ thật. Anh đã biết vậy, tôi thấy cũng cần nói với anh. Tuy chẳng có quyền để vận động cho ông Diệm, nhưng tôi thật tình mong cho ông Diệm về nước. Tôi còn biết rõ là quốc dân lúc này cũng rất cần ông về. Tôi không hiểu ý kiến anh ra sao về việc này?

– Như vậy chắc cha đã thấy rõ rằng ông Diệm lâu nay là lá bài được Mỹ ủng hộ. Nếu đưa ông Diệm về nước ắt có Mỹ theo sau. Nước ta đã kháng chiến chống Pháp, nay ông Diệm đưa Mỹ vô dựa vào thế lực Mỹ, e phải có nội chiến khốc hại hơn nữa.

Hai thanh niên tùy tùng của Viện từ lúc chào tôi xong, vẫn yên lặng ngồi không góp một lời nào. Chờ Viện nói xong, tôi lần lượt nhìn từng người trong bọn Viện, rồi mới chậm rãi nói:

– Việc “ông Diệm là lá bài của Mỹ” anh vừa nói, tôi chưa hiểu sao, nhưng nếu chỉ có nghĩa là ông Diệm được Mỹ ủng hộ, thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc dân chúng ủng hộ ông, mong muốn ông về chấp chánh. Chắc anh còn biết rõ hơn tôi, rằng nước mình là nước nhỏ, cho tới nay thật sự chưa hề có phe phái nào không phải nhận một vài ảnh hưởng từ ngoài vào. Bảo Đại được Pháp ủng hộ, cụ Hồ thì được Nga và Trung cộng ủng hộ. Nếu phải so sánh chọn lựa giữa Tàu, Pháp, Mỹ, tôi thấy Mỹ còn chưa nguy hiểm bằng Tàu và Pháp.

Thấy Viện và hai viên tùy tùng chăm chú nghe, sẵn đà, tôi nói luôn một thôi dài:

– Các anh cũng đã thấy rõ những kinh nghiệm lịch sử. Với Mỹ, chế độ thực dân kiểu cũ đã cáo chung. Mỹ đã thắng Nhật, rồi lại giúp Nhất phục hưng kinh tế mạnh mẽ. Mỹ đã vào Âu Châu, rồi cũng lại giúp Âu Châu. Áp lực của Mỹ, nếu có theo chân ông Diệm dồn vào Việt Nam, cũng chỉ là một thứ áp lực kinh tế. Còn bên các anh, con đường nguy hiểm hơn nhiều vì sau lưng các anh là Trung cộng. Vì quyền lợi của Tàu, Mao Trạch Đông sẽ phải thôn tính Đông Nam Á.

Thấy tôi nhắc đến Mao một cách long trọng, Viện phản ứng ngay:

– Chuyện cha lo sợ không thể xảy ra được vì Mao chủ tịch là một người Cộng sản chân chính không thể đi ngược lại chủ nghĩa Mác-Lê được.

– Điều anh nói, tôi thấy cần phải xét lại. TiTô cũng từng được các anh gọi là Cộng sản chân chính, vậy mà tại sao bây giờ TiTô chống lại Nga, tại sao bây giờ Nga mạt sát TiTô. Ai cũng biết chỉ là vì quyền lợi quốc gia mà thôi. Nga dù là Cộng sản, vẫn không rũ bỏ cái quyền lợi mà họ mưu tính từ thời Nga hoàng, là chiếm vùng Balkan. Và TiTô, vì chủ quyền Nam Tư phải chống lại sự xâm chiếm này. Có gì bảo đảm rằng sự chân chính của Mao với chủ nghĩa Chính sách hơn được TiTô và Sít-Ta-Lin đâu.

Tôi ngừng lại, có ý chờ phản ứng của Viện và đồng bọn, xem họ còn bào chữa cho Mao đến mức nào nhưng chỉ thấy hai tùy tùng nhìn Viện, nửa như thắc mắc mà Viện thì lúng túng ra mặt. Tôi lại nói tiếp:

– Các ích kỷ cá nhân, và quốc gia là thứ khó thể lấn át nổi. Trước Cộng sản, cũng đã có Đạo Thiên chúa đem thuyết bác ái ra để nối liền các dân tộc với nhau mà rồi cũng vẫn không thống nhất nổi Âu Châu. Chẳng những thế, các anh còn thấy: tại sao lại có Chính thống giáo ở Hy Lạp? Chỉ vì Hy Lạp chống lại Giáo hội La Mã. Anh Viện là người đã từng nghiên cứu về tôn giáo tôi chắc anh cũng thừa rõ là các lãnh tụ Cộng sản, nếu có thần phục vào lý thuyết Mac-Lê, cũng chỉ đến như Âu Châu từng tùng phục giáo lý Thiên Chúa giáo là cùng. Do đó, tôi đề nghị anh em nên xét lại cái giấc mơ thế giới đại đồng của anh em. Đừng để vì một giấc mơ mà quên đi cái thực tế của dân tộc.

Câu chuyện cứ như thế mà lan man kéo dài đến 12 giờ đêm. Khi ra về, nét mặt Viện dường như không còn vẻ quyết liệt tự tin như khi mới đến gặp tôi nữa, và đặc biệt là hai thanh niên tháp tùng Viện, khi mới đến gặp tôi chỉ gật đầu nhẹ mà khi ra về các anh em cúi đầu thấp hơn và bắt tay tôi dường như có vẻ chặt chẽ thân ái hơn.

Tôi không hiểu bọn Viện bây giờ ra sao, hai thanh niên theo Viện bây giờ ở đâu, nhưng từ nhiều năm qua, mỗi khi nhớ đến họ, tôi vẫn có một chút sung sướng ngầm, vì thấy mình tin vào sức mạnh của lẽ phải hơn một chút.

[Bấm vào đọc chương kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt