Ngày Tang Yên Báy lần thứ 81: Mối tình bi tráng Nguyễn Thái Học – Cô Giang

Một bài viết từ trong nước nói về mối tình sử bi tráng của cố đảng trưởng Nguyễn Thái Học và nữ lưu Nguyễn Thị Giang (người đời gọi là Cô Giang)…mối tình đi vào lịch sử ấy gọi là “tình sử” đã được viết qua nhiều giấy bút vẫn chưa tả hết nét đẹp thơ mộng và đầy bi tráng của tình sử này. Nhân ngày tưởng niệm lần thứ 81 của những anh hùng dân tộc đã quyết hy sinh thân thế, tình riêng và mạng sống của mình cho Tổ Quốc độc lập, trỗi dậy. Trang nhà https://www.vietquoc.org xin đăng bài của người viết từ trong nước. Đây là bài viết có tính trung thực, tuy thế có một vài chỗ cần đính chính để làm sáng tỏ vấn đề. Đính chính là do ban điều hành của trang nhà qua sưu tầm tài liệu đảng sử.

SGTT.VN – Trong cuộc kháng chiến giành độc lập và giữ nước, đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân và lãnh tụ phong trào. Dù những cuộc khởi nghĩa đó không mang đến thắng lợi cuối cùng, nhưng lòng yêu nước, sự hy sinh của họ rất đáng được vinh danh. Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu cùng bạn đọc câu chuyện bi thương của gia đình Nguyễn Thái Học, sau cuộc khởi nghĩa Yên Báy thất bại (10-02-1930).

Bàn Thờ Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang tại tư gia cụ Nguyễn Văn Nỉ tại làng Thổ Tang

Ít ai biết được rằng trong một ngôi nhà hai tầng nằm khép mình trên con phố của làng Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), có một thầy lang khá mát tay, nói giọng Việt lơ lớ. “Ông lang Tàu” ấy chính là Nguyễn Thái Nỉ, người em út của lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Yên Báy năm 1930.

Ở tuổi 86, cụ Nguyễn Thái Nỉ tuy phải đeo máy trợ thính nhưng vẫn khá minh mẫn và hóm hỉnh, tiếp tôi tại buồng riêng trên tầng hai của ngôi nhà nồng thơm mùi thuốc bắc.

Sau tuần trà nước do người nhà bưng lên, đà đưa câu chuyện, cụ Nỉ xúc động khi nói đến người anh cả phi thường Nguyễn Thái Học và người chị dâu Nguyễn Thị Giang (Cô Giang). Cụ bảo giá tôi đến sớm hơn, thì cùng gia đình làm giỗ tưởng nhớ đến anh chị Học. “Đã thành thông lệ, cứ đến ngày 16/6 là gia đình tôi làm giỗ cho anh Học, chị Giang!”

Gia đình ông bà cụ Hách – Quỳnh, thân sinh ra cụ Nỉ sinh được sáu người con. Nguyễn Thái Học là con trai trưởng, tiếp đến chị gái hai là Nguyễn Thị Bình, chị gái ba Nguyễn Thị Ưu, anh trai tư Nguyễn Văn Nho, anh trai năm Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Thái Nỉ là con trai út. Anh cả Nguyễn Thái Học thực tên trong sổ đinh của làng Thổ Tang trước năm 1930 là Nguyễn Văn Học, sở dĩ có tên đệm là Thái là do người cậu ruột đặt cho từ năm ông Học 9 – 10 tuổi. Khi ông Học đến học chữ Nho ở nhà người cậu ruột, ông rất sáng dạ chỉ hai năm là hết chữ của ông cậu, nên ông mới thay chữ đệm là Thái vào chữ Văn khi ông cậu đưa ông Học ra theo học trường tiểu học Pháp – Việt ở phủ Vĩnh Tường. Sau đó ông Học về Hà Nội học cao đẳng Sư Phạm, tốt nghiệp xong, ông học tiếp trường cao đẳng Thương Mại.

“Khi tôi năm tuổi, anh tôi thỉnh thoảng đi cùng chị Giang về nhà, chị đẹp lắm, chị mặc quần áo tân thời”, cụ Nguyễn Thái Nỉ hồi tưởng. Chị Giang lần nào về thăm cũng mua quà cho bé Nỉ vì cậu là em út. Còn anh Học hay hút thuốc lào và ăn trầu. Dáng anh Học ngủ cũng buồn cười lắm, anh luôn nằm sấp và hai chân quặp lên mông. “Gia đình tôi ai cũng mến chị Giang, tuy ban đầu chỉ có bà cụ là không ưa vì trước đó anh Học đã lấy vợ, tên chị là Cửu do bà cụ sắp xếp. Sau anh Học xin ly hôn và được chị Cửu đồng ý, rồi chị cũng đi lấy chồng khác. Bà cụ tôi sau đó nguôi ngoai và coi chị Giang, tuy lúc ấy là bạn gái của anh Học như con dâu”, cụ Nỉ nói.

Anh Học thì giỏi về diễn thuyết, chị Giang thì dịu dàng, thông minh. Anh chị ngâm thơ, xướng hoạ cùng các bạn trước sân đình làng. Những thanh niên trí thức kể cả trai tráng trong làng đi lính khố xanh, khố đỏ cũng thích đến nghe anh chị nói chuyện thời sự, về nỗi khổ của dân mình.

“Anh đi, chị cũng đi cùng”

Thời đó gia đình Nguyễn Thái Học có hai ngôi nhà nằm cạnh nhau, một ngôi nhà lợp rạ và một ngôi nhà lợp lá cọ. Nguyễn Thái Học về nhà thường hay bàn việc với các bạn ở Sơn Tây sang, Việt Trì xuống ở ngôi nhà lá cọ. “Lần cuối cùng tôi được gặp anh đó là lần anh cùng một người bạn về chơi vào mùa thu năm 1929. Trước khi đi, anh Học xin tiền mẹ tôi nhiều hơn mọi khi khiến bà phân vân. Bạn anh Học đứng bên cạnh đỡ lời: “Anh Học sắp làm quan rồi, mẹ có thuận không?” Mẹ tôi trả lời: “Tao không cần nó làm quan, mà chỉ cần nó làm điều chính đáng!” Rồi anh Học đi và không trở về nhà lần nào nữa.

“Một buổi chiều đầu hạ năm 1930, nhiều tiếng khóc oà như đổ sụp mái tranh của gia đình tôi. Cha tôi trầm tính hẳn đi còn mẹ tôi đau đớn nói với mọi người trong nhà: “Con tôi bị lũ chó săn vồ rồi…!”. Cả nhà tôi bị quân lính Pháp, hương lý đổ dồn đến bao vây, lục soát và canh giữ suốt ngày đêm. “Ngày anh tôi lên đoạn đầu đài cũng là ngày mẹ tôi không ăn, không ngủ, không trò chuyện với ai. Cụ lặng lẽ đi ra trại Đồng Ca, nhà tôi có một trang trại ở đó, nơi ấy có một túp lều tranh và mẹ tôi đã qua đời trong đó”.

Cụ Nguyễn Văn Nỉ mân mê chiếc ảnh của Cô Giang đầy ngậm ngùi xúc động

Cụ Nỉ rưng rưng nước mắt: “Còn chị Giang, sau khi anh Học bị hành hình, chị đã về Thổ Tang quê chồng ngay đêm ấy, qua nhà dì ruột của tôi mà không ghé qua gia đình tôi vì lúc đó đang bị mật thám cùng tuần đinh lảng vảng suốt ngày. Chị có gửi lại một chiếc đồng hồ quả quít được gắn vào sợi dây chuyền vàng và nhắn cho gia đình tôi biết là chị đã quyết đi cùng anh. Chiếc đồng hồ ấy sau này không giữ được bởi lẽ gia đình trong những ngày cải cách ruộng đất khó khăn đã phải bán đi, hay tiêu huỷ hoặc thất lạc tôi cũng không được rõ”. Cụ Nỉ lấy khăn chấm nước mắt.

Cụ Nỉ bỗng nức lên: “Khi tôi đang mân mê ngắm chiếc đồng hồ thì ai đó chạy vào kêu lên, chị Giang đã tự vẫn ở ngoài đầu làng rồi!”

Sau khi Nguyễn Thái Học lên đoạn đầu đài, chị Nguyễn Thị Giang (Cô Giang) tự sát và để lại hai bức thư tuyệt mệnh, gia đình Nguyễn Thái Học ở Thổ Tang liên tiếp phải chịu đựng những đau thương, người thân của Nguyễn Thái Học lần lượt ngã xuống…

Cụ Nỉ cặm cụi lục lọi hồi lâu trong một ngăn tủ rồi đưa ra cho tôi xem một bức ảnh đen trắng khổ rộng chụp một người phụ nữ nhắm mắt, nằm ngẹo đầu trên một chiếc cáng, giọng run run, nói: đây là ảnh chị dâu tôi Nguyễn Thị Giang khi chị qua đời ở cánh đồng Đồng Vệ. Bức ảnh này do một nhà sử học sưu tầm từ kho lưu trữ của Pháp đã tặng lại gia đình, khi ông ghé thăm qua Thổ Tang cách đây hơn hai mươi năm.

Năm tháng đau thương

Sau khi qua nhà bà dì ruột nhắn gửi lời chào vĩnh biệt đến gia đình ông Nỉ, chị Giang đi ra cánh đồng Đồng Vệ, cách làng Thổ Tang non một cây số và lấy súng lục tự bắn vào đầu. Nhận được tin lý dịch của làng cấp báo, quan công sứ Vĩnh Yên về và yêu cầu thân nhân gia đình ông Nỉ ra xác nhận đúng là Nguyễn Thị Giang. Khi khám nghiệm, pháp y vụ của sở mật thám Vĩnh Yên kết luận chị Giang đã có thai ba tháng! Sau khi chị Giang qua đời được ba ngày mà công sứ Pháp vẫn không cho phép gia đình ông Nỉ được mai táng chị Giang, mà yêu cầu lý dịch hai làng Thổ Tang và Đồng Vệ (nay là xã Tân Tiến) chôn xác bà trong một thửa ruộng công điền gần đó.

Cụ Nỉ cho biết, hai bức thư mà mật thám tìm được trong người chị Giang mãi về sau này gia đình mới được biết. Trước khi tuẩn tiết, chị Giang có để lại một bức thư cho bố mẹ chồng và một bài thơ nói về mối tình bi thiết của anh chị Học – Giang. Cụ Nỉ cho hay, bức thứ nhất gửi bố mẹ chồng, chị Giang nói là hy sinh vì hoàn cảnh bó buộc. Bức thứ hai cụ chỉ nhớ được bốn câu:

“Thân không giúp ích cho đời!

Thù không trả được cho người tình chung”…

“Quốc kỳ phất phới trên thành

Tủi thân không được chết vinh dưới cờ”!

Cụ Nỉ xúc động, nói: “Có lẽ sau bài Ai tư vãn của Ngọc Hân khóc Quang Trung và bài thơ của chị Giang khóc mối tình của mình, tôi chưa thấy có bài thơ nào bi thiết đến như thế!” Trên mộ chí của bà Nguyễn Thị Giang hôm nay ở xã Tân Tiến, gia đình và con cháu cụ Nỉ đã trân trọng ghi hai câu thơ của bà Giang:

“Quốc kỳ phất phới trên thành

Tủi thân không được chết vinh dưới cờ”!

Cụ Nỉ kể tiếp, cuối tháng 8/1930, anh trai Nguyễn Văn Nho, người em tiếp theo của Nguyễn Thái Học và người chú ruột Nguyễn Quang Chiểu đã bị thực dân Pháp bắt giữ về hành động tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Báy. Đầu năm 1931, hội đồng đề hình của thực dân Pháp tại Hà Nội đã kết án xử tử anh Nguyễn Văn Nho và ông chú ruột Nguyễn Quang Chiểu. Hoàn cảnh gia đình lúc đó bi thương không sao kể xiết.

Những số phận còn lại

Sau cuộc khởi nghĩa Yên Báy, tại Thổ Tang, chính quyền thực dân và hương lý kiểm soát chặt chẽ. Mãi đến năm 1935, gia đình ông Nỉ mới “dễ thở” được một chút, vì hương lý trong làng nghĩ rằng trong gia đình Nguyễn Thái Học bấy giờ không còn ai dám đi làm cách mạng. Ngoài hai người con gái đã đi lấy chồng, hai người con trai đã hy sinh thì có anh Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Văn Nỉ còn nhỏ tuổi. Để mưu sinh, ông cụ Hách, thân sinh ra anh Học đã bố trí cho anh Lâm đi học nghề chụp ảnh, còn cậu út Nỉ thì cho đi học chữ quốc ngữ.

Nối chí yêu nước của người anh, ông Lâm cũng tham gia cách mạng. Tuy là thợ ảnh, nhưng ông tổ chức các nhóm đọc báo cách mạng tại Thổ Tang cùng đồng chí Lê Xoay, khi ấy là bí thư chi bộ đầu tiên của đảng Cộng sản tại Vĩnh Tường. (Đính chính của trang nhà vietquoc.org: Ông Lâm không hề tham gia vào đảng Cộng Sản mà ông âm thầm xây dựng lại cơ sở VNQDĐ. Trong VNQDĐ có Trần Huy Liệu hợp tác với Hồ Chí Minh làm đến chức bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền, sau đó ghé thăm thân mẫu đảng trưởng Nguyễn Thái Học, tức cụ Quỳnh thì bị cụ bà đuổi đi và còn mắn cho một trận nên thân vì phản đảng, với người mẹ như vậy làm sao người con Nguyễn Văn Lâm theo đảng Cộng Sản được)

Sau khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông Lâm tham gia công tác tuyên truyền của chính quyền xã mới thành lập ở Thổ Tang. Năm 1947, trong chiến dịch sông Lô, giặc Pháp nhảy dù xuống vùng trung du Phú Thọ và tiến vào Thổ Tang lùng bắt những người làm cộng sản. Do có chỉ điểm, lính lê dương Pháp vào tận nhà bắt tất cả nhà Nguyễn Thái Học điệu ra đình để thẩm vấn, tra xét. Sau khi biết Nguyễn Văn Lâm là em trai Nguyễn Thái Học, chúng mừng rơn và yêu cầu Nguyễn Văn Lâm đầu hàng và khai ra những cơ sở cách mạng ở Thổ Tang, nếu không sẽ nhận cái chết như các người anh của ông. Ông Lâm khẳng khái trả lời “không bao giờ” và nói “nếu giết tao thì hãy giết tao tại nhà”. Biết không thể lay chuyển được ông, chúng đưa ông về nhà và xả xúng bắn chết ông Lâm ngay trước mắt mọi người trong gia đình.

Trở lại câu chuyện của mình, ông Nỉ kể, năm 1946, ông Vũ Hồng Khanh là Bí Thư Trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng (cũng là người Thổ Tang) đã đưa ông qua Trung Quốc với ý định đào tạo để tiếp tục hoạt động chính trị. Trong suốt hơn hai mươi năm từ năm 1948 đến 1970, tôi lang thang khắp đại lục để học nghề châm cứu, chữa bệnh cứu người. Cho đến năm tôi 46 tuổi, nhận thấy bước chân giang hồ đã mãn tôi xin hồi hương về quê nhà và lấy một cô gái quê ở làng bên cạnh. Tôi nghĩ rằng, cả gia đình tôi đã có nhiều người tham gia cách mạng và anh dũng hy sinh, tôi không theo được con đường của các anh mình đi mà chỉ đứng nhìn theo các anh nhưng không chệch hướng. Tôi chọn cho mình con đường khác, con đường “trị bệnh cứu người mà tôi thấy mến yêu”, cụ Nguyễn Thái Nỉ vui vẻ nói. Trở về Thổ Tang, ông Nỉ cùng vợ làm lụng, cặm cụi buôn bán và lặng lẽ tâm huyết với nghề lương y. Ông Nguyễn Văn Tuấn, con trai ông Nguyễn Văn Lâm cũng cùng gia đình, con cái hiện nay vui vẻ mưu sinh bằng nghề sửa radio và buôn bán nông thổ sản.

Trầm ngâm nhìn về phía bàn thờ người anh trai Nguyễn Thái Học và chị dâu Nguyễn Thị Giang, cụ Nguyễn Thái Nỉ nói với tôi: “Ở dưới suối vàng, ba người anh tôi cũng chắc được ngậm cười. Còn chị Giang, tên chị đã được đặt tên nhiều đường phố trên đất nước. Mới đây, huyện Vĩnh Tường cũng đã lấy tên chị để đặt cho một trường trung học”

bài và ảnh: Hữu Lực

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt