Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Antony Blinken nói chuyện tại trường Đại Học Hà Nội

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (đứng)

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Antony Blinken bài phát biểu tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 21 tháng 4, 2016 (để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của TT Obama và  22 tháng 5, 2016)

Xin chào! 

Chào các bạn. Cám ơn Hiệu trưởng Minh đã có lời giới thiệu nồng ấm. Và trân trọng cảm ơn tất cả các bạn đã nhiệt tình hiếu khách và đón chào hết sức nồng nhiệt. Cá nhân tôi, Ngài Đại sứ Osius và tất cả các thành viên trong phái đoàn từ Hoa Kỳ rất xúc động. Chúng tôi thật vinh dự được tới thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi đã đào tạo biết bao thế hệ các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Tôi dám chắc rằng trong hội trường này ngày hôm nay sẽ có những Bộ trưởng, những Đại sứ tương lai của Việt Nam và có thể có cả những doanh nhân và nghệ sỹ nữa.

Tôi cũng muốn cảm ơn người bạn thân của tôi, Ngài Đại sứ Ted Osius, người có thể đã lập kỷ lục về việc đi xe đạp, leo núi và đi bộ đường dài để gặp gỡ càng nhiều người càng tốt ở đất nước tươi đẹp, năng động và giàu sức sống này. Thực ra Đại sứ Ted và tôi đã quen nhau từ hồi chúng tôi cùng học đại học ở Hoa Kỳ – nhưng tôi sẽ không tiết lộ là đã biết nhau được bao nhiêu năm rồi. Cả hai chúng tôi lần đầu tiên gặp nhau trên giảng đường đại học, và có lẽ đây cũng là lời nhắc nhở với tất cả các bạn ở đây, rằng tình bạn mà chúng ta gây dựng ở giảng đường như thế này sẽ đi theo chúng ta suốt cả cuộc đời. 

Đây là lần thứ hai tôi đến Việt Nam và là lần thứ sáu tới khu vực này trong vòng hơn một năm. Tôi rất, rất vui khi được quay trở lại. Thực ra tôi dành cả buổi sáng hôm nay để gặp gỡ các bạn trẻ, một niềm vui thực sự mà các bạn sẽ có thể cảm nhận được khi mà mái tóc của các bạn bắt đầu điểm bạc như tôi bây giờ – hoặc như vợ tôi vẫn thường nói, tóc bạc nhiều như của tôi. Trước khi đến đây, tôi đã ngồi cùng với một số người đổi mới sáng tạo và doanh nhân trẻ trong dự án Silicon Valley Việt Nam. Không gì có thể thể hiện được tiềm năng vô hạn trong tương lai bằng không gian mở cho những người đổi mới sáng tạo cùng hợp tác với nhau để cho ra đời Google tiếp theo, Facebook tiếp theo, hay FPT tiếp theo. 

Khi thảo luận, chúng tôi đã nói về những ý tưởng của họ, những mạo hiểm và thậm chí cả những thất bại của họ. Phải thú thực với các bạn, nếu tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng thì những bạn trẻ mà tôi gặp sáng nay cũng giống như những người anh chị em của họ ở Silicon Valley, California – cũng tràn đầy năng lực như thế, nhiệt huyết như thế, tài năng như thế, tò mò như thế, và đôi khi cũng cảm thấy bực bội như thế với nhà nước vì ì ạch hơn bước tiến của họ, những thứ mà chúng tôi thấy quen thuộc ở Mỹ.

Cách đây ít lâu, tôi đã đến thăm trụ sở chính của Facebook ở Silicon Valley, Hoa Kỳ, và tôi nghĩ khi bước vào cửa tôi có thể đã nâng độ tuổi trung bình của tôi thêm vài chục năm. Có ai đó đã nhắc tôi tháo cà vạt – tôi là người duy nhất đeo cà vạt. Ai cũng có nhiều thiết bị hơn đôi bàn tay của họ. Một thanh niên trẻ vụt lướt qua trên ván trượt hai bánh. Cậu ấy gần như bay trên sàn nhà. Do vậy tất cả các bạn đều hoàn toàn có thể phù hợp ở Facebook tại Silicon Valley. 

Thế hệ các bạn ở Việt Nam nằm trong số những người năng động nhất trên thế giới – khao khát có cơ hội, tràn đầy những ý tưởng đột phá. Các bạn cũng là công dân của một trong những quốc gia trẻ nhất trên thế giới. Độ tuổi trung bình ở đây là 29, và có khoảng 40 triệu người đang ở độ tuổi 25 hoặc trẻ hơn. Các bạn đang trưởng thành trong một thế giới mà ở đó các bạn nhìn nhận mọi việc không phải như chúng đã hoặc thậm chí đang diễn ra, mà chúng còn có thể sẽ diễn ra như thế nào. 
Tương lai nằm trong tay các bạn, để tạo dựng và tái tạo nó.
Đây là điều mà cả hai nước chúng ta đã trải qua ít nhiều. 
Năm ngoái, chúng ta kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ. Mùa hè năm ngoái, Tổng thống Obama đã tiếp Tổng Bí thư (CSVN) Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm đầu tiên của một vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới thủ đô của chúng tôi.

Trong cuộc hội đàm, cả hai nhà lãnh đạo đã thừa nhận lịch sử đầy khó khăn giữa hai nước và những khác biệt còn tồn tại về triết lý chính trị, thể chế và các nguyên tắc. Song, nhờ các nhà lãnh đạo của cả hai đảng ở Hoa Kỳ – như Tổng thống Bill Clinton, Ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sỹ John McCain – và các nhà lãnh đạo ở Việt Nam, chúng ta đang vun đắp cho mối quan hệ mang tính xây dựng dựa trên sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, và những khát vọng chung của cả hai dân tộc. 

Hiện nay, Hoa Kỳ và Việt Nam đang làm sâu sắc thêm và mở rộng mối quan hệ trong những lĩnh vực mà chỉ cách đây vài năm thậm chí ngay cả chúng tôi cũng không thể tưởng tượng nổi, thậm chí không thể đề cập tới – nói gì đến cùng làm việc. An ninh khu vực. Hợp tác quân sự. Thương mại và kinh tế. Nhân quyền. Giáo dục. Biến đổi khí hậu. Y tế toàn cầu. An ninh năng lượng. Ứng phó thiên tai. Gìn giữ hòa bình. Mối quan hệ đối tác của chúng ta trong tất cả các lĩnh vực này đang lớn mạnh từng ngày. 
Gia tăng tốc độ, mức độ và phạm vi hợp tác không phải là quên đi lịch sử.
Điều đó có nghĩa là học hỏi từ lịch sử. 
Khi Tổng thống Obama nhậm chức cách đây bảy năm, ông đã nêu rõ rằng ông không để xung đột và thù nghịch trong quá khứ chi phối tương lai của chúng ta. Ông đã tin, và ông vẫn tin rằng, không có hai quốc gia nào định mệnh là thù nghịch của nhau. Và ngoại giao có mục đích và nguyên tắc của chúng ta đã có thể khai thông những kênh hợp tác mới. Đó chính là những gì đã diễn ra.

Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Nhà Trắng vào tháng Bảy, ông đã nói với Tổng thống Obama, và tôi xin trích nguyên văn, “Quá khứ thì không thể thay đổi, nhưng tương lai lại tùy thuộc vào hành động của chúng ta, và chúng ta phải có trách nhiệm bảo đảm một tương lai sáng lạn.”

Chính tương lai đó – thực ra, là trách nhiệm đó – là cái mà tôi muốn trao đổi với các bạn ngày hôm nay.

Sáng nay tại Silicon Valley Việt Nam, tôi đã lý giải tại sao một ai đó như tôi, trong ngành ngoại giao, lại quan tâm gặp gỡ các bạn trẻ, những doanh nhân, những người đổi mới sáng tạo, sinh viên – và tại sao tôi lại khao khát đến vậy để hiểu rõ hơn chúng tôi có thể làm gì nhằm hỗ trợ cho họ, hỗ trợ cho tất cả các bạn. 

Lý do đầu tiên thực ra tương đối đơn giản. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của các bạn. Những thách thức chúng ta phải đối mặt trên thế giới hiện nay vượt xa khả năng của bất kỳ nhà nước nào – chứ chưa nói đến duy nhất một nhà nước nào – có thể tự giải quyết. 

Thế giới mà chúng ta đang sống ngày càng có nhiều thay đổi và phức tạp hơn nhiều so với trước đây – khi mà sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ trong nền kinh tế toàn cầu và tốc độ thay đổi nhanh chóng gắn kết con người, các tổ chức và các nhà nước theo những cách chưa từng có tiền lệ, thúc đẩy những hình thức hợp tác mới nhưng cũng tạo ra những thách thức chung. 

Đó là một thế giới mà ở đó bệnh dịch lan truyền nhanh chóng qua biên giới và các hacker dễ dàng vượt tường lửa; những kẻ cực đoan gây ra những vết thương hằn sâu ở các cộng đồng và biến đổi khí hậu tàn phá hành tinh của chúng ta; nhiều người di cư và tị nạn chưa từng có đang liều mạng mỗi ngày trên đại dương từ biển Andaman tới Địa Trung Hải để tìm cơ hội kinh tế hay nơi trú ẩn khỏi chiến tranh hay ngược đãi.

Những thách thức toàn cầu này đòi hỏi phải có những giải pháp mới trên cơ sở những công cụ, chuyên môn và trí tuệ của những chủ thể nằm ngoài nhà nước – trong khu vực tư nhân, xã hội dân sự, các cộng đồng tín ngưỡng, và các trường đại học. 

Nếu chúng ta muốn vượt qua những thách thức to lớn trong thời đại của mình – những thách thức do nước biển dâng và nhiệt độ tăng lên, các cuộc xung đột kéo dài và nghèo đói triền miên, những kẻ cực đoan và khủng bố trên mạng gây ra – nếu chúng ta muốn vượt qua những thách thức này thì chúng ta cần phải có niềm đam mê và tài năng của thế hệ các bạn – thế hệ đổi mới sáng tạo.

Các bạn thuộc về thế hệ mà gien của mình đã có sẵn bản năng khám phá thế giới, gây dựng những mối quan hệ mới giữa các nền văn hóa và giữa các quốc gia.

Các bạn thuộc về một cộng đồng toàn cầu của những người có tầm nhìn, những người đã dám tưởng tượng rằng sức mạnh của một vệ tinh có thể được nắm gọn trong lòng bàn tay. Hay khả năng của một hệ thống truyền thông có thể kết nối hàng tỷ người khắp nơi trên thế giới theo thời gian thực. 

Đó là một di sản to lớn, nhưng không phải là một di sản nghiễm nhiên có được. Những nơi như Silicon Valley không phải từ trên trời rơi xuống. Khả năng đổi mới sáng tạo không phải là thiên bẩm. Khả năng đó phải học mới có. 

Các bạn cần phải có những thành tố cần thiết để tạo ra một môi trường mà ở đó các ý tưởng có thể được thắp sáng trên cơ sở cạnh tranh, nguồn vốn dễ dàng có thể tiếp cận, và những doanh nhân khởi nghiệp có thể chấp nhận rủi ro mà không sợ mất đi tất cả những gì họ có. 

Hỗ trợ cho những người lập trình các ứng dụng đang nổi lên, khởi xướng những vườn ươm doanh nghiệp, mở ra những không gian sáng chế mới là quan trọng nhưng vẫn chưa đủ đối với Việt Nam – hay với bất kỳ quốc gia nào khác – để có thể phát huy tối đa lợi ích của đổi mới sáng tạo. 

Đó là lý do khác mà tôi đã dành ưu tiên cho các doanh nhân trẻ ở đây và thực ra ở bất kỳ nơi nào tôi đến thăm. Những nguyên tắc để có thể có được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, những thành tố cần thiết để hệ sinh thái đó phát triển, là những gì mà tất cả các quốc gia và tất cả mọi công dân đều cùng chung lợi ích khi gây dựng và phát huy.
Một nền giáo dục dựa trên nền tảng tư duy phản biện và được khơi nguồn cảm hứng nhờ việc tự do trao đổi ý tưởng. 

Một hệ thống kinh tế và thương mại dựa trên luật lệ, trên nền tảng minh bạch và cạnh tranh. 
Tôn trọng quyền, quyền tự do, và nhân phẩm của tất cả mọi người. 
Và một xã hội quan tâm đến duy trì hòa bình và ổn định ở khắp nơi trên thế giới.

Chính vì vậy – trong cốt lõi của mối quan hệ đối tác song phương – là một cam kết giúp Việt Nam trở thành một quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai. Không phải đơn giản chỉ vì điều đó sẽ giúp thế hệ các bạn và các thế hệ sau này có được những kỹ năng cần thiết để thành công trên thương trường toàn cầu mà còn vì những đặc điểm giúp có được đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cũng chính là những đặc điểm hình thành nên một thế giới mà chúng ta mong muốn được sống ở đó– một thế giới mà tất cả mọi người dân đều có cơ hội theo đuổi những khát vọng của mình và vươn lên trở thành người xuất sắc. 

Trước hết và trên hết, điều đó đòi hỏi phải thúc đẩy giáo dục. Nhưng không phải là giáo dục kiểu gì cũng được. Thanh niên phải được phép, thực ra là phải được khuyến khích, lập luận, phản biện và thách thức thế giới xung quanh họ bằng lăng kính mới, một sự hoài nghi lành mạnh, và sẵn sàng tranh luận và quyền tự do được thất bại. Nhiều năm trước đây có một hình vẽ graffiti trên tường nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Một ai đó đã vẽ và viết thế này, “Hãy đặt câu hỏi với người có thẩm quyền”, rồi về sau một người khác lại viết lên trên cùng hình vẽ graffiti đó, “Tại sao?” Đây chính là tinh thần mà chúng ta cần có trong các hệ thống giáo dục của mình. 

Việt Nam có bề dày di sản coi trọng giáo dục – với tỷ lệ biết đọc biết viết rất hấp dẫn, tỷ lệ đi học tương đối đồng đều giữa trẻ em gái và trai, và mạng lưới ngày càng chặt chẽ giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu.

Song, như Ngoại trưởng Kerry đã nói khi ông đến Hà Nội vào tháng 8, sinh viên tốt nghiệp hiện nay nếu chỉ biết cần nghĩ cái gì vẫn chưa đủ. Họ cần phải biết nghĩ như thế nào. 
Họ cần phải được tiếp cận một hệ thống giáo dục khuyến khích suy tư và phản bác, trân quý sáng tạo, đề cao thực nghiệm, và có nhiều cơ hội tài trợ nghiên cứu. 
Xa lộ đổi mới sáng tạo dựa vào nền tảng giáo dục đó. Và áp lực của nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi phải có hệ thống giáo dục như vậy.

Đó chính là lý do tại sao chúng tôi lại hợp tác chặt chẽ đến vậy để giúp Việt Nam thúc đẩy một hệ thống giáo dục đầu tư vào nguồn vốn con người và nguồn vốn công dân của mình. Chúng tôi hỗ trợ giáo dục mầm non cho trẻ em dân tộc thiểu số ở miền Trung và đẩy mạnh quan hệ hợp tác giáo dục đại học để đổi mới giáo dục từ “học vẹt,” dựa trên lý thuyết sang giảng dạy tích cực, dựa vào thực nghiệm.

Thông qua một sáng kiến mang tên PEER, các nhà nghiên cứu của Việt Nam và Hoa Kỳ đang hợp tác với nhau để tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học ở một số hệ sinh thái mong manh, nhạy cảm nhất của Việt Nam.

Và, ngay tại đây, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chúng ta đang phối hợp cùng nhau để trang bị cho thế hệ các người hoạt động xã hội mới được đào tạo và có được những kiến thức cần thiết để  vụ cho những cộng đồng yếu thế trên khắp cả nước. 

Chúng tôi rất vui vào cuối năm nay sinh viên Việt Nam sẽ có cơ hội được mở rộng cơ hội giáo dục thậm chí nhiều hơn nữa khi Trường Đại học Fulbright Việt Nam chính thức đi vào hoạt động tại thành phố HCM. Dựa trên mô hình giáo dục Hoa Kỳ, trường đại học này sẽ chú trọng tới tự do học thuật, khơi nguồn đổi mới sáng tạo, và giúp những thế hệ người Việt Nam mới tận dụng được những cơ hội đang đặt ra trước họ.

Giáo dục không chỉ đơn thuần là những gì các bạn học được ở trên giảng đường. Chúng tôi đã ưu tiên tăng cường các cơ hội cho sinh viên Việt Nam được học tập ở nước ngoài và kết nối với giới trẻ trong khu vực và trên toàn thế giới. Hiện nay, có khoảng 19.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ. Con số đó đã tăng 40% chỉ trong vòng bảy năm. Việt Nam nằm trong 10 quốc gia hàng đầu có sinh viên sang du học Hoa Kỳ. 

Thông qua mạng lưới Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), chúng tôi đang cấp học bổng, tổ chức hội thảo, cấp vốn ban đầu cho các dự án cộng đồng để giúp các bạn trẻ biến ý tưởng của mình thành hành động. Kể từ khi Tổng thống Obama khởi động YSEALI cách đây ba năm, đã có hơn 67,000 thanh viên tham gia mạng lưới này, trong đó có khoảng 11,000 thanh niên Việt Nam. Đây là một cộng đồng có quy mô và tác động không chỉ tiếp tục lớn mạnh mà còn tiếp tục có ảnh hưởng, tiếp tục gây ấn tượng.

Thứ hai, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sẽ nở rộ trong một môi trường chính sách tạo nền tảng cho tăng trưởng toàn diện và vững chắc thông qua việc tăng cường sự minh bạch, nhà nước pháp quyền, bảo vệ tài sản trí tuệ và những quy định khả đoán, cho phép tất cả mọi doanh nghiệp – dù lớn, dù nhỏ – có thể cạnh tranh một cách công bằng.

Quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam từ nền kinh tế nông nghiệp, đóng cửa trở thành một câu chuyện thành công về hội nhập quốc tế giúp hàng triệu người thoát nghèo trong vòng hai thập niên là cả một hành trình đầy hứng thú. 

Nhiệm vụ bây giờ là củng cố những thành quả nêu trên và bảo đảm rằng tất cả mọi người đều được hưởng lợi trên cơ sở tạo lập một môi trường kinh doanh rộng mở, cạnh tranh, khả đoán để mở đường cho khởi nghiệp và các doanh nghiệp phát triển. 

Giờ đây, tương lai càng gần sát tầm tay hơn bao giờ hết nhờ Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của thế kỷ 21.

Là kết quả của hơn năm năm đàm phán của hơn mười quốc gia khu vực Thái Bình Dương, hiệp định quan hệ đối tác mang tính lịch sử này – trong đó Việt Nam là một trong những bên ký kết đầu tiên – sẽ chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu, trong đó gần một nửa các nước ASEAN là thành viên, trên cơ sở những tiêu chuẩn lao động, môi trường và bảo vệ sở hữu trí tuệ cao nhất trên thế giới.

Hiệp định này sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế theo đó tất cả mọi quốc gia thành viên – dù lớn, dù nhỏ – đều đã nhất trí phòng chống hối lộ và tham nhũng, nhất trí thành lập công đoàn độc lập và cam kết thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường. 

TPP sẽ có nghĩa là cho phép tự do trao đổi ý tưởng và dữ liệu đồng thời thúc đẩy các tiêu chuẩn bổ sung, thiết yếu để tạo nền tảng cho nền kinh tế kỹ thuật số thống nhất của ASEAN. 
Hiệp định này sẽ có nghĩa là đơn giản hóa quy trình đăng ký kinh doanh và đơn giản hóa các cách thức giải quyết tranh chấp kinh doanh. 

Và hiệp định cũng có nghĩa là tạo điều kiện dễ dàng cho việc chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu của các trường đại học tới khu vực tư nhân và lưu chuyển con người giữa các công việc và lĩnh vực khác nhau. 

Như các bạn biết, theo những tiêu chuẩn hàng đầu, Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Hiệp định này có tiềm năng gia tăng GDP của Việt Nam thêm gần 10% và gia tăng xuất khẩu khoảng 30% vào năm 2030.

Ngài Đại sứ Osius đã cho tôi biết các doanh nghiệp Hoa Kỳ – tin tưởng rằng TPP sẽ có hiệu lực – đã sẵn sàng nhiệt tình đón nhận những cơ hội ở Việt Nam như thế nào trong tất cả các ngành – từ hàng không tới năng lượng, từ công nghệ đô thị thông minh tới y tế. Thông qua việc đẩy mạnh các cam kết cải cách, Việt Nam chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp và doanh nhân nêu trên có được niềm tin cần thiết để góp phần làm cho tương lai của Việt Nam có thể chuyển mình mạnh mẽ như đã diễn ra trong thời gian vừa qua. 

Thứ ba, tôn trọng ý tưởng của con người không thể tách rời khỏi việc tôn trọng nhân phẩm. 

Quyền tự do ngôn luận, tín ngưỡng, hội họp, bất đồng chính kiến, phản đối, được tham gia vào các quyết định chính trị và kinh tế ảnh hưởng đến cuộc sống của mình – những quyền này đều là những thành tố cơ bản đối với bất kỳ quốc gia nào muốn phát huy tài năng của mọi người dân. Thực ra, việc thực hiện các quyền tự do này một cách hòa bình là biểu hiện cao nhất của lòng yêu nước. 

Thật khó có thể tưởng tượng văn hóa khởi nghiệp năng động mà không có nền tảng là các quyền và quyền tự do để người dân cảm thấy có thể theo đuổi những khát vọng của mình, để bày tỏ quan điểm của mình, để biến những ý tưởng của họ thành hiện thực. 

Người dân Việt Nam biết điều này và, vì các tờ báo và các đài truyền hình vẫn bị kiểm duyệt và bị pháp luật hạn chế nên giới trẻ Việt Nam đã chuyển sang mạng xã hội và blog để đọc tin tức và cất lên tiếng nói của họ. 

Trước những đòi hỏi của xã hội, nhà nước Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ về nhân quyền, phê chuẩn Công ước chống Tra tấn và Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của Người khuyết tật, và lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại đã nhất trí cho phép công đoàn độc lập.

Nhà nước cũng đã nêu rõ những cam kết để hài hòa hóa pháp luật trong nước với các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người và phù hợp với Hiến pháp của Việt Nam vốn đã bảo đảm các quyền tự do và các quyền cơ bản của con người.

Chúng tôi biểu dương những nỗ lực của nhà nước trong việc tham vấn với các bên liên quan về tôn giáo và xã hội dân sự trong nước trong quá trình soạn thảo luật mới về tôn giáo. Chúng tôi hy vọng bản dự thảo cuối cùng của luật này sẽ bảo vệ quyền của tất cả những người mong muốn được tự do thực hiện tín ngưỡng của họ.

Chúng tôi kêu gọi nhà nước thả tất cả các tù nhân chính trị và chấm dứt sách nhiễu, bắt bớ và truy tố bất kỳ người nào – các nhà báo, bloggers, những nhà hoạt động xã hội dân sự hoặc sinh viên – vì đã thực hiện các quyền đã được quốc tế thừa nhận của họ. Không ai có thể bị đi tù vì đã thể hiện các quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa. 

Chúng tôi cũng khuyến khích nhà nước nhanh chóng và công minh điều tra những cáo buộc về việc lạm quyền của công an, vốn tạo ra cảm giác bất công và làm xói mòn ổn định xã hội. 
Tất cả mọi quốc gia đều phải tự tìm cách tự quản trị của riêng mình. Không có quốc gia nào có phương cách hoàn hảo, bao gồm cả Hoa Kỳ. Ở chính đất nước tôi, chúng tôi thường thấy kết quả của những nỗ lực của mình vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính chúng tôi và hành động của chúng tôi vẫn chưa xứng với những lý tưởng.

Nhưng thước đo lòng quả cảm của chúng ta với tư cách những công dân, thước đó khả năng chống chịu của chúng ta với tư cách là các nhà nước, và thước đo sức mạnh của chúng ta với tư cách là các dân tộc, chính là cách chúng ta đối mặt với thử thách này – hoặc chúng ta quay trở lại các biện pháp đàn áp hay đe dọa, hoặc chúng ta đối mặt với những khiếm khuyết của mình một cách trung thực, công khai, minh bạch. 

Hệ quả của lựa chọn này đang thể hiện rõ trên thế giới ngày nay, và kết quả đã quá rõ ràng. Việc thúc đẩy quyền con người và các quyền tự do cơ bản không phải là nguyên nhân dẫn tới dễ bị tổn thương hay mất an ninh. Trái lại, đó chính là cội nguồn sức mạnh to lớn nhất và là nhân tố bảo đảm mạnh mẽ nhất cho sự ổn định cho chúng ta với tư cách là các quốc gia tự do và đổi mới sáng tạo.

Thứ tư và là lý do cuối cùng, một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển phải tự nhận thức sâu sắc và gắn bó với thế giới xung quanh nó. 

Những kế hoạch kinh doanh mà các bạn viết ở Trung tâm Hoa Kỳ, những mối quan hệ cộng tác mà các bạn tạo lập ở Silicon Valley Việt Nam, có thể chưa có tính chất toàn cầu, nhưng Facebook ngày xưa cũng vậy khi Mark Zuckerberg xây dựng mạng xã hội ngay trong căn phòng ký túc xá của mình cho sinh viên ở khu vực Boston.

Ý tưởng, khái niệm một hệ sinh thái ở đây chính là một cộng đồng – một mạng lưới rộng lớn tập hợp những kết nối cho phép chúng ta có thể gây ảnh hưởng và tạo nguồn cảm hứng cho nhau và đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm với nhau.

Sự chuyển đổi của Việt Nam – cũng giống như của rất nhiều quốc gia khác – đã được hỗ trợ và thậm chí còn được đẩy nhanh tiến độ nhờ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ vì sự tiến bộ cho tất cả mọi quốc gia.

Các cơ hội mà trật tự này đem lại – thực ra đó chính là sự thịnh vượng và ổn định mà các nền kinh tế và xã hội của chúng ta được hưởng – đòi hỏi mỗi chúng ta phải có trách nhiệm đề cao các nguyên tắc, bảo vệ các chuẩn mực của nó, để bảo đảm các tiêu chuẩn của trật tự này không bị phai mờ. 

Đó chính là lý do tại sao Hoa Kỳ và Việt Nam đang ngày càng hợp tác với nhau nhiều hơn trong nhiều vấn đề quan trọng toàn cầu – từ gìn giữ hòa bình quốc tế tới phòng chống buôn bán động vật hoang dã tới an ninh hàng hải, từ biến đổi khí hậu tới năng lượng hạt nhân dân sự tới y tế toàn cầu.

Chúng tôi biểu dương cam kết triển khai bệnh viện quân y dã chiến và công binh để ủng hộ các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trên toàn thế giới của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về gìn giữ hòa bình của Tổng thống Obama năm ngoái.

Chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam có khả năng tốt hơn để ứng phó với thiên tai ngay tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. 

Năm ngoái, tàu USNS Mercy – một trong hai tàu bệnh viện trong hạm đội 7 của Hoa Kỳ – đã đến Đà Nẵng và lần đầu tiên tham gia diễn tập ứng phó thảm họa dân sự-quân sự và lập kế hoạch với các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương. Chương trình này đã rất thành công. 

Đồng thời chúng ta có mối quan hệ ngày càng hiệu quả trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Hải quân hai nước đã tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như tìm kiếm, cứu nạn và an toàn trên biển, và cũng đã cung cấp tàu, đào tạo và trang thiết bị cho Cảnh sát Biển Việt Nam để có thể duy trì luật pháp quốc tế và phòng chống tội phạm xuyên biên giới.

Hoa Kỳ và Việt Nam cùng chung lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Trung Cộng cũng vậy. Song các hoạt động bồi đắp đảo quy mô lớn của Trung Cộng trên Biển Đông và việc họ tăng cường quân sự hóa các địa điểm này càng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về ý đồ của nước này. 

Biển Nam Trung Hoa – hay các bạn vẫn gọi là Biển Đông – là một trong những tuyến đường thương mại quan trọng bậc nhất trên thế giới, và tuyến đường này thành công bởi vì luật pháp quốc tế thúc đẩy quyền tự do của tất cả mọi quốc gia, bất kể quy mô, bất kể sức mạnh của họ như thế nào. 

Chúng tôi hoan nghênh việc Trung Cộng trỗi dậy một cách hòa bình và tham gia vào hệ thống quốc tế dựa trên luật quốc tế. Chúng tôi có ý định thực sự như vậy. Chúng tôi đã tìm cách mở rộng và làm sâu sắc thêm việc hợp tác với Trung Cộng – một cách tiếp cận đã đem lại những tiến bộ thực sự về các vấn đề quan trọng từ biến đổi khí hậu cho tới ứng phó với virus Ebola và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nhưng chúng tôi không ngần ngại giải quyết những khác biệt một cách thẳng thắn và trực tiếp. Bên lề của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân gần đây tại Washington, Tổng thống Obama đã tái khẳng định với tất cả các quốc gia về tầm quan trọng của thương mại không bị cản trở, các quyền và quyền tự do hàng hải và hàng không. 

Hoa Kỳ không bày tỏ lập trường về nội dung của các yêu sách lãnh thổ khác nhau và cạnh tranh nhau, nhưng chúng tôi hết sức quan tâm tới cách thức thực hiện các yêu sách này. 
Chúng tôi kêu gọi Trung Cộng – như chúng tôi kêu gọi tất cả mọi quốc gia – tôn trọng phán quyết có tính chất ràng buộc về pháp lý của Tòa Trọng tài thường trực trong vụ kiện Philippines-Trung Cộng khi phán quyết này được đưa ra; chứng tỏ thiện chí bằng cách làm rõ những yêu sách biển đảo của mình phù hợp với luật pháp quốc tế; thúc đẩy quyền tự do hàng hải; cam kết giải quyết những khác biệt bằng biện pháp hòa bình, bao gồm các cơ chế dựa trên luật lệ, như trọng tài chứ không thông qua hành động đơn phương; và nhất trí cùng hợp tác về ngoại giao nghiêm túc và theo quy trình ngoại giao để đưa ra được một sự đồng thuận về cách ứng xử đối với những khu vực tranh chấp. 

Đồng thời, Hoa Kỳ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực. Chúng tôi không tìm kiếm các căn cứ quân sự. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.

Tầm nhìn của chúng tôi về tương lai khu vực đã rõ ràng – đó là một tương lai mà ở đó các tranh chấp được giải quyết công khai và phù hợp với pháp quyền, các doanh nghiệp vươn lên dẫn đầu, đổi mới sáng tạo nở rộ, và có vô vàn những cơ hội đặc biệt dành cho giới trẻ như các bạn ở đây trong khắp khu vực.

Vào tháng Năm này, khi chiếc chuyên cơ Không lực Một hạ cánh ở Việt Nam và Tổng thống Obama sẽ vẫy chào người dân Việt Nam, một lần nữa ông sẽ chứng minh rằng các cựu thù có thể trở thành những đối tác bền chặt nhất. 

Tổng thống chắc chắn sẽ không phải là người duy nhất trong chuyến công du đó. 

Bên cạnh Tổng thống chắc chắn sẽ có một người lính mà tính cách đã được trui luyện qua một cuộc chiến đắng cay nhất giữa hai quốc gia, và những trải nghiệm đau đớn đã giúp ông trở thành một trong những nhà ngoại giao hòa bình lỗi lạc nhất và một trong những Ngoại trưởng xuất sắc nhất của chúng tôi…. John Kerry. 

Được khơi nguồn cảm hứng qua vai trò lãnh đạo của Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Kerry và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta có thể mường tượng được tương lai trong hai mươi năm tới khi mà mối quan hệ đối tác của chúng ta sẽ hiển nhiên như những lợi ích và giá trị chung giữa hai bên. 

Khi đó sẽ không chỉ có 19,000 sinh viên Việt Nam học tập ở Hoa Kỳ – mà là 90,000 người, hoặc thậm chí còn nhiều hơn. 

Khi đó nền kinh tế của chúng ta đan xen lẫn nhau và các thành phố được kết nối trực tiếp. 

Khi đó chúng ta cùng hợp tác để đưa ra những giải pháp mới cho những thách thức vốn có từ lâu như nghèo đói và đại dịch. 

Và khi đó chúng ta sẽ sát cánh bên nhau để thúc đẩy hòa bình và một trật tự vững chắc, dựa trên luật lệ. 

Tôi biết rằng các bạn sẽ làm nhiều điều hơn là chỉ thừa hưởng tương lai này. Các bạn – tất cả các bạn trong hội trường này – các bạn sẽ xây dựng nên tương lai đó.

Tôi tin rằng các bạn sẽ có trách nhiệm với tương lai đó. 

Và không gì có thể khiến tôi tin tưởng hơn và hy vọng nhiều hơn về sự thịnh vượng, an ninh, và nhân phẩm của cả hai dân tộc và của cả thế giới bằng người dân, giới trẻ, tương lai trong hội trường này. 

Xin trân trọng cảm ơn.

Hỏi đáp

Người dẫn chương trình: Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Ngài Blinken đã có bài trình bày tuyệt vời. Bài trình bày về tương lai của Việt Nam, về tương lai khu vực, và về các bạn trẻ trong giảng đường này. Và bây giờ, tôi xin mời tất cả các bạn, trước hết là tất cả các bạn sinh viên, hãy đặt câu hỏi với Ngài Blinken. Tôi nghĩ Thứ trưởng đã sẵn sàng cho phiên đối thoại.

Thứ trưởng Ngoại giao Blinken: Chúng ta hãy chờ xem.

Người dẫn chương trình: Chúng ta có khoảng 20 phút. Do vậy, hãy đặt câu hỏi ngay. Đây là cơ hội rất tốt cho các bạn để được đặt câu hỏi trong sự kiện hết sức quan trọng này.

Câu hỏi: Xin chào Ngài. Tôi tên là Linh, hiện là sinh viên năm thứ ba, Khoa Ngôn ngữ học. Cảm ơn ngài đã có bài phát biểu và tôi tự hỏi liệu Ngài có cho phép tôi hỏi một câu hỏi. Liệu Hoa Kỳ có tiếp tục duy trì chính sách can dự của mình với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hay không? Xin cảm ơn.

Thứ trưởng Ngoại giao Blinken: Cảm ơn bạn rất nhiều. Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi.

Chúng tôi sẽ không chỉ tiếp tục duy trì can dự của mình ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương mà chúng tôi còn tăng cường và thúc đẩy can dự thậm chí nhiều hơn nữa. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry. Chúng tôi gọi đó là tái cân bằng. Điều đó có nghĩa là chúng tôi tập trung ngày càng nhiều thời gian, ngày càng nhiều nguồn lực, ngày càng nhiều can dự ngay tại đây, tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và có một số lý do để làm như vậy.

Thứ nhất, Hoa Kỳ là một quốc gia thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và di sản đó, lịch sử đó không chỉ thuộc về quá khứ mà về cơ bản còn là một phần trong tương lai của chúng tôi. Sở dĩ như vậy là vì khi nhìn quanh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chúng ta thấy một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Chúng ta thấy một số quốc gia trẻ nhất trên hành tinh này. Chúng ta thấy một số những người đổi mới sáng tạo, kết nối và năng động nhất ở bất kỳ đâu trên trái đất, và đây chính là tương lai mà chúng tôi muốn có một phần ở đó vì nó sẽ tốt cho Hoa Kỳ.

Do vậy, chúng tôi nỗ lực hết mình để tăng cường can dự và các mối quan hệ của mình một cách toàn diện ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi ra sức tăng cường mối quan hệ hợp tác với từng quốc gia một. Một số quốc gia hợp tác và đồng minh truyền thống của chúng tôi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines. Nhưng cũng có những quốc gia đang nổi lên, những đối tác mới, trước hết là Việt Nam. 

Chúng tôi đã nỗ lực thúc đẩy các thiết chế đã tồn tại ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và cần xem xét những thiết chế mới, bởi lẽ những thiết chế như ASEAN, APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Lãnh đạo tạo cơ hội cho các quốc gia cùng ngồi lại với nhau, cùng trao đổi, cùng tranh luận, và cùng hành động. 

Chúng tôi đã mở rộng việc hiện diện quân sự trong khu vực này vì chúng tôi tin rằng đó là một nhân tố bảo đảm sự ổn định và giúp tạo lập một môi trường để các quốc gia có thể tăng trưởng và phát triển trong hòa bình. 

Như tôi đã nói, chúng tôi đã nỗ lực làm sâu sắc thêm mối quan hệ và hợp tác với Trung Cộng, bởi đó là một quốc gia quan trọng trong tương lai. Như tôi đã nêu cách đây ít phút, chúng tôi đã thành công trong việc mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác đó trong các lĩnh vực quan trọng như biến đổi khí hậu, ứng phó với virus Ebola, giải quyết chương trình hạt nhân của Iran, và thậm chí chúng tôi còn trực tiếp giải quyết những khác biệt giữa hai bên. 

Và chúng tôi đã nỗ lực tạo ra những quan hệ mới, đặc biệt về thương mại và kinh doanh vốn sẽ kết nối chúng tôi lâu dài trong tương lai với khu vực này, và đó chính là lĩnh vực mà Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ phát huy hiệu quả. 

Khi các bạn nhìn tổng thể tất cả các nhân tố nêu trên, các bạn sẽ thấy đó chính là việc xây dựng một kiến trúc vững chắc tập hợp những kết nối và mạng lưới giữa Hoa Kỳ và toàn bộ khu vực. Do vậy, chúng tôi sẽ không chỉ duy trì mà còn làm cho việc can dự còn mạnh mẽ hơn, và đây sẽ là một phần quan trọng trong tương lai chung của chúng ta. Cảm ơn bạn.

Câu hỏi: Xin chào Ngài Thứ trưởng Blinken. Xin chào Ngài Đại sứ Ted Osius. Tôi tên là Hà. Tôi hiện là sinh viên năm cuối của Khoa Quốc tế học. Trước hết, trân trọng cảm ơn Ngài đã có bài phát biểu. Và tôi cho rằng đây là cơ hội hiếm có trong cuộc đời được gặp và lắng nghe phần chia sẻ của Ngài về tương lai. Để cảm ơn, tôi sẽ nêu một câu hỏi cực kỳ khó. Ngài đã sẵn sàng chưa?

Thứ trưởng Ngoại giao Blinken: Tôi chưa biết được.

Câu hỏi: Như Ngài đã biết, YSEALI, Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ khu vực Đông Nam Á được khởi động năm 2013 theo sáng kiến của Tổng thống Obama, có đúng không? Do vậy tôi giả định rằng đây là một phần trong chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ, một chiến lược lâu dài. Câu hỏi của tôi là, do nhiệm kỳ của Tổng thống Obama sắp kết thúc, vậy chương trình này sẽ tiếp tục hay dừng lại? Tôi đặt câu hỏi này vì cách đây vài ngày, tôi có xem một đoạn video trên internet về ứng viên Donald Trump. Ông ta nói rằng khi trở thành Tổng thống, ông ta sẽ thay thế chương trình Obama Care, và đây cũng là vấn đề đối với Tổng thống Obama, có phải không? Do vậy tôi rất quan tâm đến chương trình YSEALI bởi vì chương trình này tăng cường kỹ năng lãnh đạo cho các bạn trẻ ở khu vực Đông Nam Á. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tương lai của chương trình này sau khi nhiệm kỳ của Tổng thống Obama kết thúc?

Thứ trưởng Ngoại giao Blinken: Cảm ơn bạn.

Trước hết, tôi muốn cảm ơn bạn vì bạn đã giúp tôi trả lời thêm câu hỏi đầu tiên bởi vì một phần hết sức quan trọng của tái cân bằng chính là điều mà bạn vừa nhắc đến. Đó chính là kết nối giới trẻ ở các quốc gia của chúng ta, tương lai của chúng ta, thông qua những chương trình như Thủ lĩnh trẻ khu vực Đông Nam Á [YSEALI]. Do vậy, cảm ơn bạn đã giúp tôi có câu trả lời tốt hơn.

Thứ hai, tôi không thể đoán trước chính quyền trong tương lai sẽ làm gì, nhưng tôi tin rằng, bất kỳ chính quyền nào, bất kỳ ai đắc cử, đều sẽ xem xét những ưu điểm của chương trình như YSEALI, sẽ tiếp tục và hy vọng thậm chí còn thúc đẩy và tăng cường những chương trình đó, vì nó đem lại lợi ích sâu sắc cho cả Hoa Kỳ, chứ không chỉ đem lại lợi ích cho các quốc gia trong khu vực này.

Chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm mời thanh niên sang Hoa Kỳ thông qua các chương trình giao lưu trong hơn 70 năm qua, và chúng tôi cũng đã rút ra được nhiều bài học trong quá trình này. 

Trước hết, chúng tôi thấy những người mà chúng tôi mời sang Hoa Kỳ, thông thường được các cơ quan ngoại giao của chúng tôi lựa chọn, sau nhiều năm đã trở thành lãnh đạo của những quốc gia khi họ quay trở về. Nhiều người sang Hoa Kỳ theo những chương trình giao lưu qua nhiều năm, qua những chương trình như YSEALI. Hơn 350 người đã vươn lên trở thành tổng thống hoặc thủ tướng; 52 người đã đoạt giải Nobel; và hàng ngàn người đã vươn lên trở thành lãnh đạo trong doanh nghiệp, trong các trường đại học và viện nghiên cứu, trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Vậy điều gì đã diễn ra? Những thanh niên này sang Hoa Kỳ, đã tận mắt chứng kiến đất nước của chúng tôi. Họ nhìn thấy những ưu điểm, họ cũng nhìn thấy những nhược điểm, họ gặp gỡ người Mỹ, họ tạo lập những mối quan hệ, xây dựng mạng lưới và trở về nước. Cứ mười người thì có chín người, thậm chí có thể là cả mười người, trở về với ấn tượng rất tốt đẹp về Hoa Kỳ, thậm chí có cả với những thử thách mà chúng tôi phải đối mặt. Đó chính là khoản đầu tư tốt nhất mà chúng tôi có thể thực hiện vì tương lai của Hoa Kỳ và vì quan hệ của chúng tôi với các quốc gia như Việt Nam. 

Do vậy, tôi tin rằng bất kỳ ai cũng xem xét chương trình đó một cách khách quan cũng sẽ đi đến kết luận rằng làm như vậy là một điều đúng đắn.

Câu hỏi: Xin chào, Ngài Thứ trưởng. Cảm ơn bài phát biểu của Ngài. Tôi muốn hỏi Ngài một câu hỏi về liên quan tới chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể, tôi muốn hỏi về chiến lược của Hoa Kỳ. Câu hỏi của tôi là, liệu có mâu thuẫn hay không giữa việc tăng cường các liên minh quân sự của Hoa Kỳ với việc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực? 

Thứ trưởng Ngoại giao Blinken: Cảm ơn bạn rất nhiều.

Tôi nghĩ trái lại mới đúng, cả hai giải pháp đó song hành với nhau và đó chính là lý do tại sao mà chúng tôi nỗ lực hỗ trợ và giúp ASEAN trở thành một thiết chế vững mạnh, phát triển. ASEAN tạo ra một cơ chế, một khuôn khổ để các nước có thể tập hợp lại với nhau, cùng bàn về những thách thức, cùng suy nghĩ về những giải pháp và hy vọng là cùng nhau hành động. Đó là nơi mà các nước nhỏ hơn trong khu vực có thể tìm thấy sức mạnh khi có các quốc gia khác cùng tham gia. Đó là một cơ chế rất mạnh. Do đó, tôi tin rằng các thiết chế trong khu vực như ASEAN là thành tố hết sức quan trọng để bảo đảm thành công trong tái cân bằng. Nhưng đồng thời cũng là một nền tảng quan trọng để khu vực tăng trưởng mạnh mẽ hơn, để người dân thịnh vượng, và để cho các quốc gia cùng hợp tác trong hòa bình, an ninh và ổn định. Đó chính là lý do tại sao Tổng thống và Ngoại trưởng, tất cả chúng tôi đã dành nhiều thời gian đến vậy để cố gắng phối hợp với thiết chế đó. Tôi phải thú thực rằng tôi hài lòng với những kết quả mà mình đã được chứng kiến.

Ngày mai tôi sẽ đến Indonesia, và một trong những việc tôi sẽ làm ở đó là gặp gỡ các Đại sứ ASEAN tại Indonesia. Đây là cơ hội tốt để cùng trao đổi ở một nơi về một số thách thức chung mà chúng ta cùng đối mặt.

Như các bạn biết, Tổng thống Obama đã mời các nhà lãnh đạo của các nước ASEAN tới Sunnylands tham dự một hội nghị sự thực có tính chất lịch sử. Tôi nghĩ rằng đó là một minh chứng rõ ràng cho thấy chúng tôi coi đây là một trong những nền tảng cho sự can dự của mình với khu vực. Cảm ơn bạn rất nhiều.

Câu hỏi: Xin chào Ngài. Tôi tên là Hằng. Trước hết, tôi trân trọng cảm ơn Ngài đã có những nhận xét. Điều đó rất bổ ích đối với tôi. Tôi là sinh viên năm thứ ba Khoa Quốc tế học và tôi có một câu hỏi dành cho Ngài.

Như Ngài đã biết, có một câu nói cho rằng không có bạn vĩnh viễn, không có thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích là vĩnh viễn. Vậy liệu hai nước, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể xây dựng mối quan hệ hữu nghị hay liên minh lâu dài hay không? Xin cảm ơn.

Thứ trưởng Ngoại giao Blinken: Cảm ơn bạn, một câu hỏi rất hay. 

Tôi tin rằng mối quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ không phải đơn thuần là mối quan hệ đối tác vì sự tiện lợi, vì lợi ích trước mắt, mà là mối quan hệ đối tác của niềm tin, của những giá trị chung, của một tương lai chung. Từ góc độ đó, tôi rất tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của mối quan hệ này. Không ai có thể hoàn toàn đoán trước được tương lai. Chẳng có gì thực sự là mãi mãi. Nhưng khi tôi xem xét mối quan hệ này, khi tôi xem xét nền tảng mà chúng ta đang gây dựng, khi tôi xem xét những lợi ích chung của cả hai bên, cũng như những giá trị đang nổi lên, tôi tin rằng mối quan hệ này sẽ tồn tại rất lâu.

Vâng, mối quan hệ này bắt nguồn từ lợi ích của cả hai dân tộc. Đúng là khi chúng ta suy nghĩ về các quan hệ đối tác và các mối quan hệ với các quốc gia khác, chúng ta đều xem xét xem liệu chúng có đem lại lợi ích cho mình hay không, chứ không chỉ lợi ích cho Việt Nam. Bạn phải đi đến kết luận là điều đó đem lại lợi ích cho bạn. Nhưng có những nội dung còn sâu sắc hơn đang diễn ra.

Trước hết, chúng ta có những kết nối chặt chẽ giữa hai dân tộc, rất khác với những khu vực xét từ nhiều góc độ. Chúng tôi có rất nhiều người Mỹ gốc Việt kết nối chúng ta lại với nhau ở cấp độ cá nhân, ở cấp độ gia đình, và ở cấp độ văn hóa. Điều đó rất mạnh mẽ. Và đó là lý do tại sao chúng tôi muốn xây dựng và phát triển những chương trình giao lưu như đã đề cập. Chúng tôi muốn ngày càng có nhiều người Việt Nam sang Hoa Kỳ để học tập, đồng thời cũng muốn ngày càng có nhiều người Mỹ sang Việt Nam để tìm hiểu lẫn nhau. Để hiểu nhau hơn. Để xây dựng những mối quan hệ và quan hệ đối tác. Nếu chúng ta làm được như vậy thì nó cũng sẽ bền chặt như mối quan hệ giữa các quốc gia và giữa người dân với nhau. Tôi thực sự tin điều đó sẽ thành hiện thực. Cảm ơn bạn.

Câu hỏi: Xin chào Ngài. Cảm ơn Ngài đã có bài phát biểu rất thú vị. Tôi tên là Lan Chi. Tôi là sinh viên năm thứ nhất Khoa Đông phương học. Tôi có câu hỏi dành cho ngài.

Việt Nam và Hoa Kỳ rất khác nhau. Vậy làm thế nào để hai nước có thể vượt qua được những khác biệt, để hợp tác với nhau? Xin cảm ơn.

Thứ trưởng Ngoại giao Blinken: Cảm ơn bạn rất nhiều.

Trước hết, tôi muốn bổ sung thêm cho câu trả lời với câu hỏi ở trên vì nó liên quan trực tiếp tới cả câu hỏi của bạn. Nội dung khác rất quan trọng trong việc xây dựng tương lai lâu dài của chúng ta là những sợi dây kết nối giữa các doanh nghiệp và cộng đồng đầu tư, các doanh nhân, các nhà đổi mới sáng tạo của chúng ta. Và đó chính là cánh cửa mà Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ mở ra một tương lai rộng lớn, và đó là một thành tố hết sức quan trọng trong việc xây dựng một nền tảng bền chắc. Chứ không phải mối quan hệ trước mắt giữa hai quốc gia.

Nhưng bạn đã nói đúng. Chúng ta có những khác biệt. Triết lý khác nhau, quan điểm khác nhau của nhà nước, lịch sử rõ ràng khác nhau mà có những lúc đã đan xen vào nhau theo những cách thức đầy khó khăn. Văn hóa khác nhau, truyền thống khác nhau. Nhưng chúng tôi rất tôn trọng những khác biệt như vậy. Điều hết sức quan trọng là các quốc gia phải tôn trọng sự khác biệt như thế, phải hợp tác cùng nhau trên cơ sở cùng tôn trọng lẫn nhau và cùng chung lợi ích.

Nhưng những gì mà tôi thấy được buổi sáng hôm nay đã gợi ý cho tôi rằng mặc dù còn tồn tại tất cả những khác biệt, những khác biệt căn bản, song lại có nhiều thứ khác hơn nhiều giúp chúng ta xích lại gần nhau chứ không phải xa nhau, và tôi thấy điều đó trong giảng đường này, và tôi đã thấy điều đó với những nhà đổi mới sáng tạo và những doanh nhân mà tôi đã gặp sáng nay tại Silicon Valley Việt Nam.

Như các bạn biết, nếu tôi nhắm mắt lại và không nhìn bối cảnh xung quanh, như tôi đã nói ở trên, thì tôi cứ ngỡ như mình đang ở Silicon Valley ở California hay ở bất kỳ cộng đồng đổi mới sáng tạo nào khác trên thế giới. Và thế hệ trẻ này, vì họ được kết nối với nhau nhiều như vậy, vì họ trao đổi với nhau và hợp tác với nhau xuyên đại dương, thông qua mạng xã hội, họ biết về nhau nhiều hơn, họ đang xây dựng một tầm nhìn chung nhiều hơn bất kỳ thế hệ trẻ nào khác trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Và điều này đang đem lại những tác động chuyển biến sâu sắc. Nó giúp con người xích lại gần nhau hơn. Công nghệ thông tin đem lại sự hiểu biết tốt hơn. Nó đang tạo ra sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng lớn, ở đó việc chúng ta cùng hợp tác và cùng xây dựng những mối quan hệ chặt chẽ là điều hợp lý. Ngay cả khi chúng ta có những khác biệt về lịch sử, văn hóa và cách tiếp cận chính trị. Tôi tin rằng những nhân tố đang thúc đẩy chúng ta là những nhân tố nổi bật và quan trọng nhất trong thế kỷ 21, và vì lợi ích của mình mà các quốc gia cần cho phép những nhân tố đó được phát huy.

Như tôi đã nói, đúng là một số nhân tố sẽ làm phát sinh những thử thách mới, to lớn và thậm chí cả những nguy cơ. Chính công nghệ và thông tin kết nối con người nhiều hơn, giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn cũng có thể cho phép những kẻ khủng bố và những phần tử khác gây ra thiệt hại to lớn. Do vậy, chúng ta cần hợp tác với nhau và cảnh giác trước tương lai đó.

Nhưng tôi tin rằng chúng ta đang sống trong một thế giới có sự kết nối với nhau nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây, một thế giới mà ở đó những điểm chung của chúng ta sẽ ngày càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết; và những gì khiến chúng ta xa cách sẽ ngày càng mất đi tính phù hợp của nó. Cảm ơn bạn.

Câu hỏi: Xin chào Ngài. Cảm ơn Ngài đã có bài trình bày tuyệt vời. Tôi tên là Lan Nguyên, sinh viên Khoa Xã hội học. Tôi có một câu hỏi dành cho Ngài. Tương lai của chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ sẽ ra sao khi có chính quyền mới vào năm 2017? Xin cảm ơn.

Thứ trưởng Ngoại giao Blinken: Một trong những lợi thế lớn trong nghề của tôi với tư cách là nhà ngoại giao là tôi có thể đứng ngoài chính trị, do vậy tôi sẽ không đưa ra dự báo về tương lai chính trị.

Nhưng một lần nữa, tôi quay trở lại nội dung mà chúng ta vừa trao đổi cách đây ít phút. Khi ai đó tranh cử ở Hoa Kỳ, thường họ đưa ra những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử để giành sự ủng hộ và đắc cử, nhưng sau đó khi họ lên nắm quyền họ nhận thấy một số những thực tế mới mà họ chưa nhận thức được khi còn là một ứng viên tranh cử. Và đôi khi lăng kính của bạn có khi đột ngột thay đổi. 

Tôi cho rằng điều mà bất kỳ Tổng thống nào cũng hướng tới năm 2017 đó là xem xét xem điều gì sẽ hợp lý nhất cho Hoa Kỳ? Làm thế nào để chúng tôi vừa có thể thúc đẩy lợi ích của mình trên toàn thế giới vừa thúc đẩy những giá trị chung?

Do vậy, kết quả có xu hướng sẽ là sự nhất quán. Ngay cả khi có thay đổi thì vẫn có một số những điểm căn bản vẫn được giữ nguyên. Và một điều mà tôi tin rằng sẽ có thể không đổi, bất kể ai sẽ đắc cử vào năm tới đi chăng nữa, là sự can dự và tập trung vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và thông qua những thảo luận gần đây [không nghe rõ] bởi vì nó thực sự đem lại lợi ích cho chúng tôi, do đó tôi tin rằng bất kỳ ai lên nắm quyền cũng sẽ thấy điều đó và sẽ hành động như vậy. Xin cảm ơn.

Câu hỏi: Xin chào Ngài, tôi tên là Vân, sinh viên năm thứ ba, Khoa Ngôn ngữ học. Tôi có câu hỏi dành cho Ngài. Câu hỏi của tôi là, liệu chính sách đối với khu vực Châu Á của Tổng thống Obama có ý định kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Cộng không.

Thứ trưởng Ngoại giao Blinken: Không. Chính sách của Hoa Kỳ không phải là kiềm chế Trung Cộng. Trái lại, Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Cộng với tư cách là một thành viên quan trọng và vững mạnh trong hệ thống quốc tế, thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là một thành viên hàng đầu trong hệ thống đó. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã nỗ lực, như tôi đã nêu ở trên, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với Trung Cộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng gắn liền với sự trỗi dậy của Trung Cộng với tư cách là quốc gia hàng đầu còn là trách nhiệm. Và đây là những gì mà chúng tôi quan tâm.

Như các bạn biết, cách đây 70 năm, hơn 70 năm trước đây, sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Hoa Kỳ đã nổi lên là quốc gia hàng đầu thế giới. Chúng tôi ra khỏi cuộc chiến với sức mạnh to lớn, trong khi nhiều nước khác bị thiệt hại nặng nề đã mất đi sức mạnh của họ. Và chúng tôi đã phải quyết định, chúng tôi sử dụng sức mạnh đó như thế nào? Các nhà lãnh đạo của chúng tôi ở thời điểm đó đã đưa ra một quyết định hết sức quan trọng. Họ đã quyết định tiên phong xây dựng các luật lệ, chuẩn mực, luật pháp và các thiết chế quốc tế có thể đặt ra nghĩa vụ với tất cả mọi quốc gia, trong đó có cả Hoa Kỳ. Đối với một số người, điều đó dường như không logic vì dường như cách làm này trói buộc chúng tôi, vì chúng tôi buộc mình phải tuân thủ các luật lệ, chuẩn mực, luật pháp và các thiết chế tương tự như tất cả mọi quốc gia khác, và chúng tôi giúp các quốc gia khác có tiếng nói và lá phiếu trong những quyết định về hệ thống quốc tế. 

Đó là cách tiếp cận hết sức sáng suốt bởi vì trong lịch sử, điều thường diễn ra khi một quốc gia nổi lên và trỗi dậy là các quốc gia khác cảm thấy rất lo sợ, đôi khi cũng là điều dễ hiểu, và họ cùng hợp lại với nhau để cố gắng và ngăn chặn sự trỗi dậy của quốc gia kia. Và khi quốc gia đang trỗi dậy kia hành xử theo những cách đi ngược lại các luật lệ và chuẩn mực, khi quốc gia đó sử dụng quy mô và sức mạnh của mình, chứ không phải sử dụng những ý tưởng để thúc đẩy lợi ích của mình thì họ sẽ tạo ra kẻ thù và những quốc gia khác sẽ hợp nhau lại để cố gắng và kiềm chế nó. 

Điều đó đã không xảy ra với Hoa Kỳ vì chúng tôi hành động đầy sáng suốt khi tạo ra hệ thống quốc tế.

Tôi hy vọng rằng Trung Cộng sẽ thấy được cảm hứng từ lịch sử nêu trên và sẽ hành xử với sự sáng suốt tương tự khi họ nổi lên. Để duy trì, tôn trọng, và thậm chí bổ sung thêm luật lệ và các chuẩn mực và các thiết chế, để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, chứ không phải ép buộc. Để bảo đảm [không nghe rõ] quyền tự do hàng hải và quyền tự do hàng không. Để hành động phù hợp với các chuẩn mực, luật lệ và luật pháp quốc tế.

Vì nếu Trung Cộng làm như vậy, tôi tin rằng sự trỗi dậy này sẽ được tất cả mọi người hoan nghênh vì tất cả chúng ta đều có rất nhiều lợi ích từ một nước Trung Cộng đang đầu tư, thương mại và xây dựng mối quan hệ giữa các dân tộc. Nhưng nếu Trung Cộng lựa chọn một con đường khác, nếu họ lựa chọn phớt lờ các luật lệ, luật pháp và các thiết chế thì tôi cho rằng họ sẽ làm nhiều quốc gia xa lánh, và theo thời gian chúng ta sẽ thấy rằng thay vì mở rộng được sức mạnh của mình thì thực ra họ lại làm sức mạnh đó nhỏ đi. Và đây là những gì chúng tôi đang xem xét. Xin cảm ơn.

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt