Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (16)

Đọc hồi ký của cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa từ ngày đảo chánh cố tổng thống Ngô Đình Diệm đến ngày mất miền Nam 30/04/1975, chúng ta tìm ra những điểm then chốt của lịch sử: Ai giết cố TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu – Những chính biến trong nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa đến mất miền Nam Việt Nam ra sao? Ông viết ra những gì mắt thấy, tai nghe dưới dạng truyện kể trong suốt thời gian  giữ nhiệm vụ một Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH, luôn bên cạnh các nhân vật lãnh đạo miền Nam Việt Nam. Đây là một tài liệu có nhiều điều bổ ích cho sử liệu và bài học cho thế hệ mai sau. Một tài liệu có giá trị và có mức độ trung thực cao. Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Xáo Trộn Sau Chỉnh Lý cuộc Đảo Chánh 30/01/1964” – Nguyễn Khánh thêm chức các chính khàch dân sự tham chính…

Trung Tướng Nguyễn Khánh thêm chức Tổng Tư Lệnh Quân Lực. 

Đại Tướng Trần Thiện Khiêm ra đi không bàn giao chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngày hôm sau, Trung Tướng Nguyễn Khánh vào nhận thêm chức đó. Có nghĩa là Trung Tướng Khánh nắm giữ cả 4 chức vụ cao nhất nước: Chủ Tịch Hội Đồng Quân Lực, Quốc Trưởng bao gồm Tổng Tư Lệnh Tối Cao, Thủ Tướng, Tổng Trưởng Quốc Phòng, và Tổng Tư Lệnh Quân Lực.

Ngay hôm đầu tiên Trung Tướng Khánh nhận chức, tôi viết “Phiếu Trình” trình vào Trung Tướng Khánh, xin chỉ định đơn vị tôi trình diện. Ông phê 3 chữ: “Ở tại chỗ”. Thế là tôi vẫn ngồi lại văn phòng này nhưng chưa rõ chức vụ. Xin nói thêm, “Phiếu Trình” là một loại văn kiện trong hồ sơ tham mưu, sử dụng khi cần trình một vấn đề gì để xin chỉ thị của cấp trên.

Cũng ngày hôm ấy, tôi thấy thêm một thủ đoạn của Trung Tướng Khánh. Đó là hai ngày trước khi Đại Tướng Khiêm lưu vong, văn phòng tôi có nhận được một “Nghị Định” thiết lập “quỹ mật” cho ông Tổng Tư Lệnh với số tiền đầu tiên là 20 triệu đồng (Việt Nam). Phía dưới Nghị Định có ghi chú “chờ lệnh”. Giới chức thiết lập quỹ là Trung Tướng Khánh nhân danh Thủ Tướng cấp cho Tổng Tư Lệnh, và bây giờ chức Tổng Tư Lệnh cũng trong tay Trung Tướng Khánh. Vậy là, giới chức cấp quỹ với giới chức sử dụng quỹ, đều là ông. Lúc ấy, hối suất chánh thức là 35 đồng Việt Nam bằng 1 mỹ kim.

Xin giải thích đôi nét về “quỹ mật” này. Nguyên tắc của quỹ mật là chi tiêu không cần chứng minh, nhưng giới chức sử dụng phải chịu trách nhiệm trực tiếp với giới chức cấp quỹ khi giới chức cấp quỹ yêu cầu chứng minh, nhưng thực tế thì trong những năm qua tôi chưa thấy yêu cầu này xảy ra lần nào. Xem chừng lấy tiền trong ngân khố của chánh phủ quá dễ chăng?

Nhưng còn ghê gớm hơn nữa kìa. Theo lời bà Khiêm nói với tôi rằng, khi mà gia đình Đại Tướng Khiêm với gia đình Trung Tướng Khánh không còn coi nhau là bạn bè thân thiết như trước nữa, bà biết bà Khánh đã hai lần đưa cho người em làm Tổng Lãnh Sự Việt Nam Cộng Hòa tại Hong Kong, mỗi lần 500 triệu đồng Việt Nam Cộng Hòa để bán lấy đồng mỹ kim. Ai mua tiền Việt Nam đó nếu không phải là quân cộng sản của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, để mang trở về mua hàng trên thị trường Việt Nam Cộng Hòa tiếp tế cho quân của chúng đánh lại quân ta? Sự thật đến mức nào tôi không rõ, nhưng những thông tin này là từ bà Khiêm đến tôi và tôi ghi lại đây là chính xác.

Xin mở ngoặc để nối tiếp phần trên. Trong tạp chí Thế Kỷ 21, số 147 tháng 07 năm 2001 phát hành tại Nam California, có loạt bài “Công Cuộc Nghiên Cứu Việt Sử Tại Bắc Mỹ” (1975-2000), và bài số 10 với tựa: “Nhóm Viết Hồi Ký” của tác giả Trần Anh Tuấn, nói về “Sĩ quan cấp Tá viết hồi ký”. Dưới đây là vài đoạn trích từ trong bài này.

“Cấp Tá viết hồi ký khoảng 18 người, theo thứ tự tên gọi là: Trương Dưỡng, Trần Kim Định, Vương Văn Đông, Phạm Bá Hoa, Đặng Trần Huân, Đỗ Kiểm, Trần Khắc Kính, Hoàng Ngọc Liên, Vũ Văn Lộc, Phan Nhật Nam, Trần Ngọc Nhuận, Phan Lạc Phúc, Phan Lạc Tiếp, Trịnh Tiếu, Võ Đại Tôn, Trần Đình Trụ, Tạ Tỵ, và Ngô Văn Xuân”.

“Nói một cách tổng quát, khi chúng ta rời bỏ thế giới hồi ký của cấp Tướng để đọc hồi ký của cấp Tá là chúng ta sang một thế giới khác. Một thế giới của văn nhân. Một đàng là  quyền lực quốc gia, và một đàng là văn chương nhân bản”.

” … Về hình thức, nhiều hồi ký cấp Tá với những áng văn chương trong sáng,  chữ dùng nhiều khi đắc địa, có thể trích làm bài giảng văn mẫu trong các trung tâm Việt ngữ tại hải ngoại. Điển hình của hồi ký loại này là tác phẩm của Phan Lạc Phúc, Phan Lạc Tiếp, Phạm Bá Hoa, Đặng Trần Huân, Vũ Văn Lộc, …….”

Sau khi tác giả điểm qua hồi ký của hai nhà văn Phan Lạc Phúc và Phan Lạc Tiếp, đến quyển Đôi Dòng Ghi Nhớ của tôi (Phạm Bá Hoa), tác giả Trần Anh Tuấn viết:

” ….. Hồi ký của cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa có nội dung khác hẳn những hồi ký vừa kể”. “………. Đây là một hồi ký chính trị, ghi lại những biến cố trên chính trường Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1963 cho đến ngày 30/4/1975. Giai đoạn lịch sử này tương ứng với thời gian tác giả  đóng vai trò tuy không có hào quang của một nhân vật trên mặt nổi, nhưng lại là người sắp xếp và do đó thấu hiểu những uẩn khúc của hậu trường, cùng diễn trình của nhiều biến cố có tầm mức lịch sử ngay từ lúc khởi thủy. Việc ghi nhận này rất thẳng thắn và thành thật. Ngòi bút Phạm Bá Hoa can đảm, trung thực, bất vị thân… “

“Đặc biệt, Đôi Dòng Ghi Nhớ” ghi nhận sự kiện kinh khủng trong chiến tranh Việt Nam. Đó là việc, lấy nguồn tin từ bà Trần Thiện Khiêm, tác giả cho biết bà Nguyễn Khánh đã hai lần đưa cho người em làm Tổng Lãnh Sự Việt Nam Cộng Hòa tại Hong Kong, mỗi lần 500 triệu, tổng cộng một tỷ bạc Việt Nam Cộng Hòa để đổi lấy đô la. Sau tiết lộ kinh khủng đó, tác giả Phạm Bá Hoa đặt một câu hỏi chắc như đinh đóng cột, rằng, “Ai mua tiền Việt Nam trên đất Hong Kong nếu không phải là Cộng Sản Việt Nam?”. Câu nghi vấn đó của tác giả Phạm Bá Hoa, nay đã được phía bên kia kiểm chứng là xác thực. Nếu muốn, xin độc giả tìm đọc “Đồng Đô La Trong Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước” dựa theo hồi ký của Thăng Long Huỳnh Bá Việt và những người làm công tác tài chánh đặc biệt trong chiến tranh với sự cộng tác của các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Hiền Phương, Thanh Giang, và Hoàng Xuân Huy, để biết Ban Kinh Tài Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (của cộng sản) đã mua tiền Việt Nam Cộng Hòa từ đâu để đem về chi phí cho chiến trường miền Nam….. “

Sau đoạn nhận xét rất tinh tế của tác giả về cách dùng chữ của người miền Nam trong khi có vài chữ tôi dùng chữ của người miền Bắc để giảm nhẹ ý nghĩa sự tức giận của Trung Tướng Trần Thiện Khiêm đối với Trung Tướng Dương Văn Minh, tác giả Trần Anh Tuấn kết luận:

“Điều tác giả Phạm Bá Hoa có thể yên tâm là, ít nhất có một độc giả tin ông, tin ở tấm lòng trung can nghĩa khí của ông. Đôi Dòng Ghi Nhớ, vì thế, là một trong rất ít hồi ký chính trị hoàn tất sau biến cố 30/4/1975 có cơ tồn tại với thời gian. Ông là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có tư cách”.

Xin đóng ngoặc, và trở lại văn phòng Tổng Tư Lệnh. 

Trung Tướng Khánh cho giải tán văn phòng Tổng Tư Lệnh, và tổ chức thành “Nha Đổng Lý Văn Phòng Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa”. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vỹ, được Trung Tướng Khánh cử giữ chức Đổng Lý Văn Phòng. Lớn ơi là lớn, nhưng kỳ ơi là kỳ! Dưới quyền Thiếu Tướng Vỹ có: (1) Thiếu Tá Thịnh, bí thư. (2) Tôi, Trưởng Phòng Quân Sự Vụ, với toàn bộ nhân viên và trách nhiệm của văn phòng Tổng Tư Lệnh trước đây, ngoại trừ những vấn đề riêng tư của ông Tổng Tư Lệnh. (3) Thiếu Tá Hoàng Ngọc Tiêu -tức nhà thơ Cao Tiêu- Trưởng Phòng Dân Sự Vụ. (4) Thiếu Tá Tâm (tôi không nhớ họ), Trưởng Phòng Báo Chí.

Công tác kế tiếp là Trung Tướng Khánh giao cho Chuẩn Tướng Phạm Đăng Lân, Chỉ  Huy Trưởng binh chủng Công Binh, đúc bê tông tầng trên phòng họp số 1 trong tòa nhà chánh (nơi tạm giữ những vị bị Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng xem là trung thành với Tổng Thống Diệm trong cuộc đảo chánh 01/11/1963) để làm văn phòng mới của Tổng Tư Lệnh. Đồng thời xây cái hầm ngầm ngay phía dưới phòng họp số 1 để làm hầm trú ẩn với tiện nghi cần thiết cho bộ chỉ huy hành quân khoảng 30 người. Từ bàn viết của ông Tổng Tư Lệnh nhìn đến cuối phòng trước mặt, sát góc bên trái có cầu thang xoáy ốc xuống hầm. Nếu không phải nhân viên phục vụ nơi đây, phải để ý lắm mới trông thấy được cái quan trọng của cầu thang xoáy ốc này. Hầm làm xong từ mặt đất lên đến nóc là 2.2 thước, chung quanh và cả nóc hầm được tấn bằng những tấm kim khí thật dày, lớp đất trên nóc hầm dày đến 1.5 thước. Ngay trên hầm là một đoạn của con đường vòng đai bên trong hàng rào kẽm gai ngăn cách giữa Bộ Tổng Tư Lệnh với một góc của phi trường Tân Sơn Nhất. Trong lúc đơn vị Công Binh đang đổ đất lấp nóc hầm thì Trung Tướng Khánh nói với Chuẩn Tướng Phạm Đăng Lân, lúc ấy tôi đứng cạnh chờ trình công văn gấp của Phòng 3:

“Làm xong hầm này tôi chấp tất cả phi cơ của “thằng” Kỳ đó”. Thằng Kỳ mà Trung Tướng Khánh nói  là  Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư  Lệnh Không Quân. 

Nói xong ông cười khoái chí, chừng như ông không còn lo ngại Thiếu Tướng Kỳ đảo chánh ông bằng Không Quân vậy. Tôi không hiểu câu nói của ông là thật hay đùa, nhưng cho dù là đùa hay thật thì tự ông nói lên nỗi lo của ông về sự chống đối của những đồng đội quanh ông. Nhưng tại sao Trung Tướng Khánh lại sợ như vậy? Mẫu người nhiều tham vọng với một bụng thủ đoạn như ông, phải tự hiểu tại sao ông bị cô lập giữa đồng đội và lúc nào cũng sợ đồng đội của ông. Qua những hành động của ông từ trong cuộc đảo chánh ngày 30/01/1964 đến bấy giờ, theo tôi, ông là vị Tướng có vẻ như mang tham vọng vượt lên trên tất cả mọi người để trở thành vị lãnh đạo bậc nhất của Việt Nam Cộng Hòa trong nét nhìn thán phục của các quốc gia lân bang trong vùng, và cả Hoa Kỳ nữa. Cái tham vọng của Trung Tướng Khánh dễ dàng nhận thấy qua 4 chức vụ cao nhất nước đang trong tay ông: “Quốc Trưởng + Thủ Tướng + Tổng Trưởng Quốc Phòng + Tổng Tư Lệnh Quân Lực”. Với 4 chức vụ đó, làm sao biện minh là ông không có tham vọng? Làm sao biện minh là ông không độc tài ? 

Thêm nữa, Trung Tướng Khánh còn cấp cho Công Binh 10 triệu đồng để xây cái hầm sâu trong lòng núi đá ngay sau lưng Trường Thiếu Sinh Quân/Vũng Tàu nữa. Tôi không rõ những chi tiết về cái hầm này, chỉ được nghe ông nói trong buổi họp tham mưu của Bộ Tổng Tư Lệnh rằng:

“Trường hợp cuộc chiến dẫn đến sự xâm nhập của không quân địch thì hầm này là nơi đặt bản doanh hành quân của Bộ Tổng Tư Lệnh”.

Đến khi trường này chuẩn bị di chuyển để bắt đầu phá núi xây hầm, cũng là lúc Trung Tướng Khánh lưu vong nên kế hoạch bị hủy bỏ.

Giáo Sư Trần Văn Hương

Ngay trước ngày Quốc Khánh đầu tiên 01/11/1964 -kể từ sau cuộc lật đổ Tổng Thống

Kỷ Sư Phan Khằc Sửu

Ngô Đình Diệm- Trung Tướng Khánh tấn phong chánh phủ dân sự do giáo sư Trần Văn Hương làm Thủ Tướng, và kỹ sư Phan Khắc Sửu làm Quốc Trưởng. Quốc Trưởng là nhà cách mạng quốc gia lão thành, hoạt động không mệt mỏi, từng vào tù ra khám vì hoạt động cách mạng, nổi tiếng là trong sạch, và chống cộng sản một cách triệt để. Thủ Tướng là nhà giáo kỳ cựu, có tiếng là thanh liêm, nhiệt tình, chống cộng sản không khoan nhượng, nhưng có dáng vẻ và phong cách của một công chức cần mẫn hơn là nhà hoạt động chính trị. Cả hai vị đều do Trung Tướng Khánh nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội (Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đã đổi danh xưng là Hội Đồng Quân Đội) đề cử sau khi tham khảo cơ quan do ông thành lập có tên gọi “Hội Đồng Dân Quân”.

Dưới nét nhìn nào đó cho thấy Trung Tướng Khánh muốn dư luận thấy ông giảm bớt cái hơi hám “độc tài” mà ông luôn bị cáo giác trong các cuộc mít tinh biểu tình, và nhất là trong những vị hoạt động chính trị, nên ông nhường chức Quốc Trưởng và Thủ Tướng cho hai vị dân sự. Nhưng thật ra, với chức Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội, ông vẫn tự cho mình cái chức năng trên Quốc Trưởng chẳng khác dưới  chế độ cộng sản độc tài bao nhiêu. 

Dù sao thì chánh phủ dân sự cũng tô điểm đôi chút cho hình ảnh chính trị Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, bớt tính cách năng nổ đầy u ám của một vị võ tướng cầm quyền có  pha chút “hơi hám quân phiệt” lãnh đạo.

Ngày 01/01/1965, Trung Tướng Khánh xuống Cần Thơ chủ tọa lễ kỷ niệm “Ngày Quân Đoàn IV hai tuổi”. Ông nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội thăng cấp Trung Tướng cho Thiếu Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Quân Đoàn này.

Trong cuộc đảo chánh 01/11/1963, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu là Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh tham gia tích cực. Đảo chánh thành công, ngày hôm sau ông được thăng cấp Thiếu Tướng, giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Chẳng bao lâu sau đó, ông bàn giao cho Thiếu Tướng Cao Văn Viên để nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Vùng IV Chiến Thuật cách nay vài tháng. Nay, ông được thêm một ngôi sao mỗi bên cầu vai.  

Trung Tướng Khánh là người rất xông xáo, nay đơn vị này mai đơn vị khác. Ông thường thăm và khen thưởng tại chỗ về những thành tích cá nhân cũng như tập thể đơn vị. Mỗi lần đi bằng phi cơ, tôi được lệnh mang theo tất cả hồ sơ công văn của các phòng trình lên để ông làm việc ngay trên phi cơ. Chiếc phi cơ C47 mà Không Quân dành cho ông, có trang bị bàn viết, giường nằm, tủ lạnh nhỏ, và vài tiện nghi lặt vặt khác. Thường khi như vậy, ngoài Trung Tướng Khánh ra, còn có sĩ quan tùy viên, cận vệ, vài nhân viên an ninh, vài nhân viên truyền tin, và tôi. Đến thành phố nào đó là tôi tìm phi cơ khác của Không Quân Việt Nam, Không Quân Hoa Kỳ, hoặc Hàng Không dân sự, để mang công văn trở về Bộ Tổng Tư Lệnh  hoàn lại các Phòng Sở. Việc bảo vệ số công văn này luôn được quan tâm đúng mức. Đây là nét đặc biệt của Trung Tướng Nguyễn Khánh mà vị Tổng Tư Lệnh trước ông là Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, và những vị sau ông là Trung Tướng Trần Văn Minh, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, và Đại Tướng Cao Văn Viên, không có. Tôi không dám đoan chắc đó là điều tốt, nhưng rõ ràng là ông không để thời gian trống trong nhiệm vụ của ông. 

Tôi không biết có phải là do vụ “Biểu Dương Lực Lượng” ngày 13/09/1964 hoặc vụ đó chỉ là “giọt nước làm tràn ly nước” hay không, nhưng từ sau vụ ấy thì Trung Tướng Khánh với Đại sứ Hoa Kỳ -cựu Tướng Maxwell Taylor- đã bất hòa nhau, và Trung Tướng Khánh đặt bản doanh Bộ Tổng Tư Lệnh ở tòa nhà trắng Vũng Tàu. Tòa nhà này, người dân địa phương thường gọi là “bạch dinh”. Hằng ngày, tôi dùng phi cơ nhỏ mang công văn của Bộ Tổng Tư Lệnh từ Sài Gòn ra Vũng Tàu trình ông, xong là quay về Sài Gòn. Ngày hai buổi sáng chiều, tôi đi đều đều như vậy. Đôi khi có công văn gấp, tôi phải đi ngay dù là ngày chủ nhật hay nghỉ lễ. Thường thì tôi sử dụng chiếc phi cơ L20 do anh bạn cùng khóa với tôi lái. Anh Nguyễn Xuân Lễ, sau khi ra trường thời gian ngắn thì anh chuyển sang Không Quân. Hiện (2006) anh định cư tại Houston. 

Trong một chuyến bay trên chiếc vận tải C7 (Caribou) từ Vũng Tàu về Sài Gòn, bị quân cộng sản bắn lên và Đại Úy Long ngồi cạnh tôi bị trúng đạn xuyên từ dưới mông lên vai, và chết liền. Không biết chúng bắn bao nhiêu viên đạn nhưng chỉ có 1 viên trúng phi cơ và đã gây tử thương một sĩ quan mới tái ngũ vài tháng trước đó, và đang phục vụ tại Bộ Tổng Tư Lệnh. Hôm ấy, chiếc L20 tu bổ, tôi ôm công văn quá giang chiếc L19 ra Vũng Tàu, và lại quá giang chiếc C7 nói trên trở về Sài Gòn.

Quí vị nghĩ xem, ông Tổng Tư Lệnh giận ông Đại Sứ của nước “chi tiền”, dời văn phòng xa hơn trăm cây số, để lại đằng sau cả một bộ tham mưu đầu não của quân đội hơn 600 ngàn người đang từng giờ chiến đấu chống cộng sản. Cho nên có những việc mà vị Trưởng Phòng cần trình bày trực tiếp với vị Tổng Tư Lệnh cũng chỉ dùng điện thoại mà điện thoại thì không hoàn toàn bảo mật được! Phải chăng Trung Tướng Khánh là vị lãnh đạo quốc gia xem chính trường như sân khấu? Đồng ý chính trường cũng là một loại sân khấu, nhưng nền tảng của sân khấu là nghệ thuật dựng lại những góc cạnh của cuộc sống, trong khi chính trường là nơi thể hiện tài năng, kinh nghiệm, bản lãnh, của người lãnh đạo xây dựng cuộc sống đó. Sở dĩ tôi nói đến “sân khấu” là vì trong năm 1964, nhiều báo chí tại Sài Gòn nói Trung Tướng Khánh có giòng máu nghệ sĩ.

Xin mở ngoặc: Trong cuộc đàm thoại tối ngày 21/10/2003, cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm từ Virginia nói với tôi liên quan đến đoạn trên đây, như sau:

“Chú có biết tại sao ông Khánh với ông Taylor giận nhau hông?

“Dạ không”.   

“Tại vì ông Khánh chửi ông Taylor (Đại Sứ Hoa Kỳ) về vụ ông Đức (Trung Tướng Dương Văn Đức) biểu dương lực lượng đó. Ông Khánh nói với tôi như vậy sau khi ổng bị đuổi khỏi Việt Nam qua Hoa Kỳ ở với tôi mấy ngày”. Xin đóng ngoặc.

Ngày 16/02/1965, Trung Tướng Khánh ra phi trường chậm hơn nửa tiếng đồng hồ, điều mà ít khi xảy ra. Sau khi phi cơ lên đến độ cao để trực chỉ Qui Nhơn, ông ngưng tay duyệt công văn và quay sang tôi:

“Tôi vừa thành lập xong chánh phủ”.

Bác Sĩ Phan Huy Quát (thay GS Trần Văn Hương) làm thủ tướng (1964)

“Thủ Tướng Trần Văn Hương còn không, thưa Trung Tướng?

“Bác sĩ Phan Huy Quát thay ông Hương rồi. Với tôi thì mọi việc chẳng có gì khó khăn cả”.

Nụ cười của ông lúc bấy giờ nếu cựu Thủ Tướng Hương trông thấy chắc là dễ tức lắm cho dù giáo sư Hương có tiếng là người trầm tỉnh. Tôi không rõ nguyên nhân thay đổi Thủ Tướng, chỉ nghe Trung Tướng Khánh nói rằng:

“Trong giai đoạn này mà làm mất lòng tôn giáo thì không thể chấp nhận được”.

Ông là Trung Tướng, với chức Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội, “đã” ngang nhiên chỉ định Thủ Tướng trong khi Quốc Trưởng vẫn tại chức, lại còn tự cho mình là người giải quyết công việc quốc gia nhanh chóng nữa!

Đến Qui Nhơn, không có phi cơ về Sài Gòn nên tôi phải ở lại. Tình hình quân sự tại tỉnh Bình Định ngày càng xấu đi, đến nỗi đêm hôm đó mọi người phải ngủ tại hầm chiến đấu. Tôi sang Bộ Chỉ Huy 2 Tiếp Vận ngủ nhờ hầm chiến đấu của Bộ Chỉ Huy này. Lúc ấy, Tỉnh Trưởng Bình Định là Trung Tá Lê Trung Tường. Thiếu Tá Trương Bảy là Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 2 Tiếp Vận. (Về sau, Trung Tá Tường là Chuẩn Tướng quân đội, Thiếu Tá Bảy là Chuẩn Tướng Cảnh Sát).

Sáng hôm sau, cả đoàn dùng trực thăng bay vào Nha Trang. Sau khi thăm Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt mà Chuẩn Tướng Đoàn Văn Quảng là Tư Lệnh, Trung Tướng Khánh bay ngược ra Vũng Rô, nơi mà hôm trước Hải Quân và Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đã bắn chìm chiếc tàu của quân cộng sản chở vũ khí từ ngoài bắc xâm nhập vào. Nói cho đúng, chiếc tàu này bị Hạm Đội 7 Hoa Kỳ phát hiện và liên tục theo dõi, đến khi vào duyên hải Việt Nam Cộng Hòa thì họ báo cho Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa biết. Kết quả là tàu địch bị đánh chìm. Khi trực thăng lượn nhiều vòng trên không phận Vũng Rô, tôi nhìn thấy dòng chảy của nhiên liệu từ chiếc tàu chìm phía dưới loang dài trên mặt biển. Lực lượng Người Nhái của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đang trục vớt vũ khí lên tàu, trong khi lực lượng của Quân Đoàn II đang hành quân lục soát trong khu vực núi Đá Bia, lân cận Vũng Rô. Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có, Tư Lệnh Quân Đoàn II tin rằng, trong khu vực này có thể có kho tồn trữ của quân cộng sản. Chỉ trong ngày 17/2/1965, cả hai lực lượng thu được hơn 1000 khẩu súng đủ loại, tất cả hoàn toàn mới nguyên được bao bọc trong giấy dầu cẩn thận.  

Theo nhận định của Phòng Nhì/Bộ Tổng Tư Lệnh, hơn một năm qua, với những bất ổn chính trị trong nội tình Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, quân cộng sản miền bắc đã lợi dụng “khoảng trống an toàn” đó để gia tăng vận chuyển đơn vị chính qui và vũ khí đạn dược vào lãnh thổ chúng ta bằng đường bộ dọc dãy Trường Sơn và đường thủy dọc duyên hải từ bắc vào. Những lần trước, số vũ khí đạn dược tịch thu được ở cửa sông Bồ Đề tỉnh An Xuyên (Cà Mau), bờ biển Ba Động tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh). Vụ Vũng Rô này là lần thứ 3 tịch thu được số lượng vũ khí quan trọng.

Khi chánh thức cầm quyền sau cuộc đảo chánh thành công, với một Thông Điệp quan trọng, Trung Tướng Khánh chánh thức lên tiếng kêu gọi các quốc gia đồng minh giúp Việt Nam Cộng Hòa chống lại cuộc xâm lăng của cộng sản, điều mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã không làm theo ý muốn của Hoa Kỳ. Nhưng liệu có phải Thông Điệp mà Trung Tướng Khánh tuyên đọc là do Hoa Kỳ trao cho ông hay chánh phủ của ông chủ động viết bản văn đó? Nhìn theo góc độ quân sự, cho dù Hoa Kỳ có cần thực hiện “chiến lược Domino” bằng cách thiết lập các căn cứ quân sự trên đất nước chúng ta hay không thì sự hiện diện của quân bộ chiến Hoa Kỳ, trong một mức độ nào đó thật sự là cần thiết. 

Trong khi áp lực quân sự từ phía quân cộng sản ngày càng xấu đi thì tình tình chính trị tại thủ đô Sài Gòn vẫn trong tình trạng rối ren. Tuy là Quốc Trưởng với Thủ Tướng đều là dân sự, nhưng thực chất thì quyền hành vẫn trong tay Trung Tướng Khánh. Các nhà chính trị vẫn thường tổ chức những cuộc hội họp mít tinh nhằm tạo áp lực đòi Trung Tướng Khánh rút lui thật sự, vì vậy mà Trung Tướng Khánh luôn luôn lo sợ một ngày “xấu trời” nào đó ông sẽ bị đảo chánh bởi lực lượng quân sự. Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đã lưu vong từ tháng 10/1964, và Trung Tướng Dương Văn Minh cũng lên đường lưu vong 2 tháng sau đó, nhưng điều đó không có nghĩa là “họa đảo chánh” không còn.

[Bấm Vào Đây Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc bài kế tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt